01:44 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

DANH MỤC

LIÊN KẾT ẢNH

Cổng thông tin Ninh Bình

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THĂM DÒ DƯ LUẬN

Thăm dò ý kiến: Nhận xét về giao diện của Trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

Đẹp và thân thiện, dễ đọc

Đẹp nhưng chưa thân thiện

Chưa đẹp nhưng khá thân thiện

Xấu và không thân thiện

Trang nhất » HLHPN-NB » TIN TỨC SỰ KIỆN

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2017) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2017)

Thứ ba - 15/08/2017 05:06


I. DIỄN BIẾN CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ và ngoạn mục không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn, đầy sáng tạo của một Đảng Mác xít – Lênin nít kiên cường, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn quyết định, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức tại Béc lin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức phải đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và chỉ sau 1 tuần đã tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật, đẩy phát xít Nhật vào thế thất bại không thể tránh khỏi. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc.

Trong nước, trải qua nhiều thử thách cam go và các cuộc diễn tập quan trọng như: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào dân chủ 1936 - 1939, phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945, ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trước tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, Đảng ta đã có những quyết sách nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) quyết định phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị quan trọng này đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, chủ động và sáng tạo của Đảng, chỉ rõ phương hướng và biện pháp hành động cách mạng đúng đắn trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, mở đường đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi.

 Từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định phát triển lực lượng vũ trang, nửa vũ trang và thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu chống Nhật, cứu nước. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Phong trào đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra ở nhiều vùng. Các lực lượng cách mạng đã phối hợp với quần chúng giải phóng được một loạt các xã, châu, huyện thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Bắc Giang.

Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”. Vì vậy, phải “Kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập uỷ ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.
Ngày 13/8/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc thành lập, ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào đã thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh Tổng khởi nghĩa”, quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, Quốc ca và bầu ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân. Ngày 02/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh nước ta.

II. DIỄN BIẾN CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM Ở NINH BÌNH

Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và quân Đồng minh không điều kiện. Đảng bộ và quân dân Ninh Bình hết sức phấn khởi, hăng hái chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

  Ngày 17/8/1945, đồng chí Trần Tử Bình đem lệnh “Tổng khởi nghĩa” về Ninh Bình. Ngay đêm hôm đó tại thôn Sải (Nho Quan), Tỉnh uỷ họp bàn kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị quyết định ngày 19/8/1945 sẽ tổ chức lãnh đạo quần chúng giành chính quyền huyện Gia Viễn. Ngay đêm hôm đó, Tỉnh uỷ cử cán bộ về các huyện truyền đạt nhanh tin phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh và Lệnh tổng khởi nghĩa. Tỉnh uỷ cử cán bộ về huyện Gia Viễn cùng địa phương chuẩn bị khởi nghĩa trước. Trước khí thế cách mạng sôi sục, đêm 18/8 huyện trưởng Gia Viễn sợ hãi bỏ trốn. Ngay đêm hôm đó, thanh niên cứu quốc thôn Bích Sơn và phố Me vào thuyết phục binh lính lấy được một số súng đạn. Sáng sớm ngày 19/8/1945 (đúng ngày có phiên chợ Me), lực lượng vũ trang tỉnh, huyện lợi dụng lúc nhân dân trong vùng đi chợ Me rất đông, phát loa kêu gọi Nhân dân hưởng ứng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, triển khai lực lượng võ trang tiến vào chiếm huyện lỵ, binh lính đầu hàng, các công chức chính quyền tay sai xin nộp giấy tờ, sổ sách, con dấu và súng đạn. Ta nhanh chóng làm chủ huyện lỵ. Quần chúng xung quanh huyện lỵ và nhân dân đi chợ Me đến dự mít tinh rất đông. Trước đông đảo quần chúng, đại diện Việt Minh huyện Gia Viễn tuyên bố chính quyền tay sai phản động đã bị đập tan, chính quyền cách mạng được thành lập, đại diện Việt Minh phổ biến chủ trương cứu nước và 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.

  Nhận được tin Gia Viễn giành chính quyền thắng lợi, ngay chiều 19/8/1945, một số thanh niên yêu nước ở thị trấn Nho Quan đã cùng với quần chúng trương cờ đỏ sao vàng thuyết phục lính bảo an, quân Nhật án binh bất động, binh lính trong trại hạ súng đầu hàng. Quân khởi nghĩa đã tịch thu hơn 20 khẩu súng đưa về chiến khu. Sáng ngày 20/8/1945, Tỉnh uỷ cử cán bộ Việt Minh về Nho Quan huy động nhân dân thị trấn và các xã lân cận kéo vào giành chính quyền huyện, tổ chức mít tinh tuyên bố: Nho Quan hoàn toàn giải phóng.

  Đêm 19/8/1945, Tỉnh uỷ đã họp để đánh giá thắng lợi cuộc khởi nghĩa ở Gia Viễn và Nho Quan, rút kinh nghiệm và thống nhất kế hoạch, phân công các đồng chí Phạm Văn Hồng, Nguyễn Thị Hoà… trực tiếp phụ trách các lực lượng khởi nghĩa, đánh chiếm tỉnh lỵ và các huyện còn lại. Hội nghị quyết định ngày 20/8/1945 tổ chức lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh và các huyện còn lại.

 Sáng ngày 20/8/1945, hơn một vạn quần chúng cùng các đội tự vệ có vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác tập trung ở trước động Thiên Tôn (Ninh Mỹ, Gia Khánh). Khi lệnh phát ra đoàn người hô vang các khẩu hiệu, cuồn cuộn kéo về tỉnh lỵ Ninh Bình. Trên đường tiến quân hàng ngàn quần chúng ở các thôn: Bạch Cừ, Phú Gia, Đới Nhân, Cam Giá, Thư Điền, Kỳ Vĩ, Phúc Am, Trực Độ…gia nhập đoàn quân cách mạng. Đoàn biểu tình tới Phúc Am, một bộ phận tiến vào giành chính quyền ở huyện Gia Khánh. Trước sức mạnh như vũ bão của quần chúng cách mạng, huyện trưởng Gia Khánh đầu hàng quân cách mạng giao nộp con dấu, giấy tờ sổ sách, cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi nhanh chóng, tổ chức Việt Minh huyện tập hợp nhân dân các xã cùng quân khởi nghĩa mít tinh, tuyên bố: chính quyền huyện Gia Khánh về tay nhân dân và thành lập chính quyền cách mạng. Quần chúng hân hoan trong không khí chiến thắng.

 Cùng ngày, Việt Minh thị xã Ninh Bình đã huy động quần chúng cùng với quân cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh. Tổ chức Việt Minh cử người nắm tình hình ở trại lính bảo an, cử người đón và dẫn đường cho quân cách mạng tiến vào thị xã bao vây dinh tỉnh trưởng, buộc chúng phải đầu hàng. Binh lính xin nộp vũ khí, tên thượng tá Đào Trọng Hướng phải thay mặt tỉnh trưởng nộp con dấu, hồ sơ, giấy tờ, sổ sách. Toàn bộ vũ khí được nhanh chóng tập trung đưa về khu căn cứ Quỳnh Lưu. Lực lượng tự vệ được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ các công sở và các khu vực trọng yếu trong tỉnh lỵ. Sau khi giành chính quyền ở tỉnh, ngày 21/8/1945, Việt Minh ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa nổi dậy giành chính quyền. Ở Kim Sơn, khi được tin Việt Minh đã chiếm tỉnh lỵ, bọn phản động đội lốt công giáo lợi dụng danh nghĩa Việt Minh kéo cờ đỏ sao vàng, hô hào quần chúng vào cướp chính quyền huyện (tháng 10/1945, Tỉnh ủy điều đoàn cán bộ về Kim Sơn xây dựng chính quyền, sau đó chính quyền mới thực sự về tay nhân dân).

 Sau ba ngày khởi nghĩa (từ ngày 19/8 - 21/8/1945), chính quyền đế quốc phong kiến trong toàn tỉnh đã bị đập tan. Ngày 25/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Bình, do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chủ tịch ra mắt Nhân dân. Trước hai vạn đồng bào, đồng chí Văn Tiến Dũng trịnh trọng tuyên bố: “Ninh Bình hoàn toàn giải phóng, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân trong toàn tỉnh”.

  III. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

 1. Nguyên nhân thắng lợi

- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

- Cách mạng Tháng Tám thành công là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Trải qua 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã không hề tiếc máu xương, hy sinh oanh liệt vì mục tiêu độc lập dân tộc.
- Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.

 2. Ý nghĩa lịch sử

 - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 
- Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội. 

3. Những bài học kinh nghiệm

Cách mạng Tháng Tám để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhưng những bài học kinh nghiệm lớn nhất, sâu sắc nhất đó là:
Thứ nhất, có một đảng tiên phong thật sự cách mạng tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin - đỉnh cao trí tuệ của thời đại, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước, đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng đúng lúc; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng tiến lên giành và giữ chính quyền. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng.

Thứ hai, là vấn đề giành và giữ chính quyền. Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thời cơ cách mạng để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong giặc ngoài. Đảng ta biết kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 
Thứ ba, là vấn đề nắm bắt được thời cơ, đề ra được những quyết định chính xác và kịp thời. Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc thể hiện cụ thể trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3/1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi đêm 13/8/1945. Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, đã tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian ngắn.

Thứ tư, vấn đề xây dựng và sử dụng sức mạnh của một cuộc cách mạng. Vận dụng những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, thể hiện trong khẩu hiệu đấu tranh từng thời kỳ như: độc lập dân tộc, người cày có ruộng, 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, chủ trương phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân và hàng loạt hình thức vận động, tập hợp lực lượng, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của quần chúng khác. Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng - cuộc tổng khởi nghĩa điển hình dựa vào sức mạnh của toàn dân, chủ yếu là sức mạnh đấu tranh chính trị của Nhân dân để giành chính quyền một cách nhanh chóng trong cả nước. Dưới ánh sáng của đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, lòng yêu nước và sức mạnh của toàn dân được thổi bùng lên trong Cách mạng Tháng Tám đã tiếp tục được phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc xâm lược và trong công cuộc đổi mới đất nước ngày nay.

IV. PHÁT HUY TINH THẦN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NINH BÌNH NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP

 Phát huy thắng lợi và những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
- Kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng liên tục tăng qua các năm. Năm 2016 đạt 7,76% các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch năm 2015. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tổng giá trị sản xuất đạt trên 8.291 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2015; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 105 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 49,1 vạn tấn. Sản xuất công nghiệp - xây dựng mặc dù còn gặp khó khăn nhưng vẫn tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 34,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2015; tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 22,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3%. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.264 tỷ đồng, tăng 66,2% so với năm 2015, vượt 51,7% dự toán HĐND tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đạt 1.020 triệu USD, tăng 6,0% so với năm 2015 và vượt kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, hết năm 2016 đã có 60 xã (chiếm 50,4% tổng số xã) và huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017 có 20 xã đăng ký về đích nông thôn mới, đã có 4 xã là Khánh Thịnh, Yên Lâm huyện Yên Mô; Yên Sơn, Đông Sơn thành phố Tam Điệp hoàn thành 20/20 tiêu chí được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 16 xã còn lại bình quân đạt 16 tiêu chí/xã.
Lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước; năm 2016 đạt 6,5 triệu lượt khách, tăng 8,5%, trong đó khách quốc tế đạt gần 720 nghìn lượt; doanh thu du lịch đạt 1.725 tỷ đồng, tăng 21,4%, vượt 15% kế hoạch.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của tỉnh. Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 22,5 nghìn tỷ đồng.
 - Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đạt được kết quả toàn diện về mọi lĩnh vực, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội. Giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp ngày càng tăng, vững chắc. Năm 2016, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 83,4%; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên; kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia trong những năm qua, Ninh Bình luôn nằm ở tốp các tỉnh có điểm trung bình các môn thi dẫn đầu trong toàn quốc.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng, nhiều năm qua không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đến nay, đã có 26,8 giường bệnh và 9,6 bác sĩ/1vạn dân; nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được tập trung xây dựng, nâng cấp với quy mô giường bệnh lớn, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đầy đủ  các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 5,77%, vượt 0,5 so với kế hoạch. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 44%, năm 2016 đã giải quyết việc làm cho 19.500 lao động. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được duy trì và phát triển.

- Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, lực lượng biên phòng trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh trấn áp tội phạm. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả về bảo đảm an ninh trật tự như “Tổ liên gia tự quản”, “Xứ họ đạo bình yên, chùa tinh tiến”, “Trường học 3 an toàn”…được nhân rộng, triển khai hiệu quả, là điểm sáng trong toàn quốc. Công tác tôn giáo và các hoạt động tôn giáo được quan tâm, đều hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, quy định pháp của pháp luật, mối đoàn kết lương giáo ngày càng được phát huy.

- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh. Tăng cường thông tin đối ngoại, tình hình thời sự, chủ động nắm bắt tình hình và dư luận xã hội để kịp thời định hướng công tác tư tưởng, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chủ đề năm 2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh “Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

- Công tác cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định, từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đến thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, đảm bảo về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, công tác phát triển đảng viên ngày càng đi sâu vào chất lượng. Đến hết năm 2016 đã có 730 tổ chức cơ sở đảng; trong năm kết nạp được 2.050 đảng viên, đạt 102,5% kế hoạch.

- Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, từng bước đổi mới và đạt chất lượng, hiệu quả, tập trung vào việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận được đổi mới, các hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát với yêu cầu thực tiễn, thường xuyên đối thoại với nhân dân để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng được tăng cường.
- Hiệu quả hoạt động của HĐND, năng lực quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp có chuyển biến tích cực. Chất lượng tiếp xúc cử tri tiếp tục được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, du lịch; tích cực phát huy quyền làm chủ, tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Với những thắng lợi của đất nước nói chung, của tỉnh nhà nói riêng, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại; nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm trong việc vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quê hương. Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình sẽ tích cực, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nắm vững các quan điểm phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững./.
                                           

Nguồn tin: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ NINH BÌNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết mới hơn

Bài viết cũ hơn

 
an toàn cho pn trẻ em

LIÊN KẾT WEBSITE