18:40 ICT Thứ bảy, 20/04/2024

DANH MỤC

LIÊN KẾT ẢNH

Cổng thông tin Ninh Bình

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THĂM DÒ DƯ LUẬN

Thăm dò ý kiến: Nhận xét về giao diện của Trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

Đẹp và thân thiện, dễ đọc

Đẹp nhưng chưa thân thiện

Chưa đẹp nhưng khá thân thiện

Xấu và không thân thiện

Trang nhất » HLHPN-NB » GƯƠNG PHỤ NỮ » Gương cán bộ Hội

Gặp những cán bộ Hội phụ nữ là thương, bệnh binh

Thứ năm - 27/07/2017 10:27

113 cán bộ Hội phụ nữ là thương binh, bệnh binh và thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ trong tỉnh đã về dự buổi gặp mặt do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017) là những tấm gương tiêu biểu đã tự mình vượt lên trên mọi đau thương, mất mát, khắc phục khó khăn nhiều mặt, tận tâm, tận lực cống hiến phần sức lực còn lại cho công cuộc đổi mới quê hương, làm rạng rỡ thêm lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng quà cho cán bộ Hội là thương, bệnh binh và thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ.

Lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng quà cho cán bộ Hội là thương, bệnh binh và thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ.

Không chỉ làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người vợ đảm đang, chung thuỷ, phụng dưỡng bố mẹ, nuôi dạy con cái trưởng thành, các bác, các chị còn hoàn thành nghĩa vụ của một công dân, trách nhiệm của một cán bộ Hội. Những cống hiến thầm lặng đó của các bác, các chị đã làm rạng rỡ hơn truyền thống tốt đẹp và phẩm giá của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Ninh Bình nói riêng.

Chị Vũ Thị Thảnh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 2A, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh là thương binh 2/4 với tỷ lệ thương tật 61%. Với tỷ lệ thương tật ấy, nhiều người sẽ nghĩ chị Thảnh chẳng thể lao động, sinh hoạt như những người bình thường. 

Nhưng với bản lĩnh “thương binh tàn nhưng không phế”, khi trở về địa phương năm 1992, chị Thảnh đã cùng chồng tập trung phát triển kinh tế, chăn nuôi, đi thu mua lúa gạo, làm bánh đa… để có điều kiện nuôi 3 con ăn học và chăm sóc bố mẹ già yếu. Dù cuộc sống có nhiều lúc khó khăn, nhưng chị Thảnh vẫn cần mẫn, miệt mài với công việc gia đình, dần vực dậy kinh tế gia đình. Bận rộn với việc nhà là vậy nhưng chị Thảnh rất nhiệt tình với các phong trào, hoạt động của địa phương. 

Từ năm 1995, chị tham gia công tác phụ nữ với nhiều vai trò: Chi hội trưởng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Từ năm 2006 đến nay, chị là Chi hội trưởng phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số của thôn. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của người cán bộ Hội-thương binh nặng và tấm gương vượt khó vươn lên của chị Thảnh trong cuộc sống luôn là động lực để các chị em trong chi hội học tập. 

Đến nay, hoạt động của chi hội khá hiệu quả, nhiều hội viên đã tích cực phát triển kinh tế gia đình theo các kinh nghiệm, kiến thức đã được tập huấn, chuyển giao. Xóm 2A chỉ còn 2,9% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Với chị Thảnh, điều mà chị luôn mãn nguyện là những nỗ lực vượt khó của mình đã được đền đáp khi cả 3 con chị đều học hành giỏi giang, thành đạt. Con trai cả của chị hiện đang chuẩn bị luận án tiến sỹ, là giáo viên Trường THPT Yên Khánh A…

Cũng trở về từ bom đạn chiến trường như chị Thảnh, chị Lã Thị Liễu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 1, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn trong một lần cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị đã bị thương, mất 35% sức khỏe. Xuất ngũ trở về địa phương với thương tật 4/4, chị Liễu gặp ngay khó khăn đầu tiên khi ra mắt gia đình chồng. Bởi khi đó, chồng chị cũng là bộ đội, lại đóng quân xa tận Đắc Lắc, nên gia đình không muốn cho anh lấy một người vợ ốm yếu. Trong khi gia đình anh cũng rất hoàn cảnh khi mẹ già đau ốm quanh năm, các em còn nhỏ. 

Trước tình cảm chân thành và lòng quyết tâm của những người lính, họ cũng nên duyên và bắt đầu một cuộc sống mới với đầy khó khăn, thử thách. Khi đó, dù sức khỏe không tốt nhưng chị Liễu vẫn trở thành “trụ cột” trong gia đình chồng khi chồng công tác xa. Một mình chị cấy hơn mẫu ruộng, vay mượn thêm tiền đầu tư nuôi bò, lợn. Lúc nông nhàn, chị lại tranh thủ đem đậu, lạc, vừng đi bán khắp nơi… 

Ngày đó, hình ảnh người phụ nữ thương binh chỉ chưa đến 40 kg với chiếc xe đạp cũ kỹ đã khiến nhiều người dân trong xóm, trong xã cảm động và trân trọng. Nhờ sự nỗ lực vượt bậc của bản thân và sự cố gắng của các thành viên trong gia đình, kinh tế gia đình chị Liễu dần khấm khá. Vợ chồng chị đã xây được 5 gian nhà khang trang, có điều kiện chăm sóc mẹ già, dựng vợ, gả chồng cho các em, nuôi dạy 4 con chăm ngoan, học giỏi. 

Cả 4 người con của chị đều học đại học và có việc làm ổn định. Con út của chị đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Thái Bình. ở địa phương, chị Liễu còn được nhiều người mến phục bởi dù hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy nhưng chị không nề hà việc chung. Chị đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: ủy viên BCH Đoàn xã, kế toán đội sản xuất, bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng phụ nữ…

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với sự hy sinh của nhân dân cả nước, tỉnh Ninh Bình có biết bao các mẹ, các chị đã tiễn những người thân yêu nhất của mình và sẵn sàng lên đường chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Nhiều mẹ, nhiều chị đã tiễn chồng, tiễn con rồi lại tiễn cháu tiếp bước cha, anh lên đường đánh giặc. ở lại hậu phương, các mẹ, các chị hết lòng chăm sóc cha, mẹ già, nuôi dạy con nên người, giữ trọn đạo thuỷ chung, tích cực sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các chiến sĩ vững tay súng nơi tiền tuyến. 

Ngày toàn thắng của dân tộc, hàng vạn phụ nữ đã không được đón chồng, con trở về. Các mẹ, các chị đã cống hiến cho dân tộc những người chồng, người con anh hùng để góp phần gìn giữ và xây đắp nên một Việt Nam trường tồn và ngày càng lớn mạnh. 

Tiêu biểu nhất là tấm gương của 1.198 Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh. Bên cạnh đó, có nhiều chị em cũng xung phong lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các chị là những thanh niên xung phong, không quản ngại ngày đêm, mở đường, tải đạn, chăm sóc thương binh, nuôi quân…, góp phần cho tiền tuyến thắng giặc thù, giải phóng đất nước. 

Nhiều chị khi trở về là những thương binh, bệnh binh. Nhưng các chị đã vượt qua nỗi đau mất mát của bản thân, của gia đình đã tích cực học tập, tham gia lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Cùng với việc tích cực tham gia lao động sản xuất, chăm sóc chồng, nuôi dạy con, cháu, xây dựng gia đình hạnh phúc, các chị còn tích cực tham gia tổ chức, chỉ đạo toàn diện, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, quan tâm chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ nói chung và các gia đình chính sách nói riêng. Vận động hội viên, phụ nữ tham gia các phong trào, các cuộc vận động của địa phương và của Hội phát động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

 

 


Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết mới hơn

Bài viết cũ hơn

 
an toàn cho pn trẻ em

LIÊN KẾT WEBSITE