Tài liệu sinh hoạt hội viên quý IV/2019: Phụ nữ Ninh Bình tích cực chống rác thải nhựa

Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe con người và sự phát triển bền vững mỗi quốc gia. Dịp sinh hoạt hội viên kỳ này, chúng ta cùng tìm hiểu, trao đổi, thảo luận nội dung “Phụ nữ Ninh Bình tích cực chống rác thải nhựa” để góp phần hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, góp phần xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, văn minh.
I. CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Thực trạng rác thải nhựa tại địa phương

- Kể tên một số rác thải nhựa mà gia đình chị hàng ngày thải ra môi trường ? Số lượng bao nhiêu?

- Ở địa phương chị, rác thải nhựa thường xuyên xuất hiện ở những nơi nào? Vì sao?

- Chị có nhận xét gì về cảnh quan, môi trường nơi chị sinh sống?

2. Tác hại của rác thải nhựa

 - Chị hãy kể những tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người?

- Rác thải nhựa có tác hại gì đối với môi trường? (đất, nước, không khí, động thực vật…), Tại sao?

3. Những việc cán bộ, hội viên phụ nữ cần làm để chống rác thải nhựa

- Chị hãy kể câu chuyện/mô hình/hoạt động tiêu biểu/cách làm hay, cách làm mới, sáng tạo để hạn chế rác thải nhựa mà chị biết?

- Khi thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày, chị gặp phải những khó khăn gì? Thời gian tới, cá nhân chị làm thế nào để khắc phục những khó khăn đó?

- Hội Phụ nữ,  mỗi gia đình chị cần làm gì để hạn chế  rác thải nhựa?

II. KẾT LUẬN

1. Thực trạng rác thải nhựa tại địa phương

 - Rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi:

Tại các nơi tập kết rác thải, bãi rác, khu tập trung đông dân cư, tụ điểm buôn bán, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, khu văn hoá, điểm du lịch, nơi công cộng (các chợ, trường học, bến xe, sân vận động, bệnh viện, đường giao thông,…), ao hồ, sông suối, đại dương…

- Thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng khoảng 01 kg túi nilon/tháng. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển; xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

- Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Năm 2016, hơn 480 tỷ chai nhựa đã được bán trên toàn thế giới, tương đương 1 giây bán ra 20.000 chai.

-  Nguyên nhân chủ yếu xuất hiện rác thải nhựa

+ Do các sản phẩm nhựa có tính tiện lợi, giá thành rẻ, đã và đang trở thành đồ dùng quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình; các sản phẩm thay thế túi nilon và nhựa dùng 1 lần (túi sinh học, túi giấy, vỏ hộp đựng thức ăn bằng nguyên liệu sinh học dễ tiêu huỷ) chi phí cao, chưa phổ biến.

 + Do một bộ phận người dân ý thức kém, xả rác bừa bãi, trong đó có rác thải nhựa (túi ni lông, đồ dùng nhựa một lần…); đa số người dân chưa có thói quen phân loại rác thải từ trong gia đình.

+ Đa số người dân chưa có thói quen sử dụng lại, tái chế các sản phẩm từ nhựa. Do lĩnh vực tái chế rác thải nhựa của Việt Nam chưa phát triển, hiệu quả thấp.

  2. Tác hại của rác thải nhựa

Vòng đời của túi nilon, đồ nhựa sử dụng 1 lần rất ngắn song thời gian để chúng phân hủy rất lâu (VD túi nilon: 10 -100 năm; túi nhựa dày: 500 -1000 năm; chai nhựa: 1000 năm, cốc sữa chua: 100 -500 năm mới phân hủy được…). Việc sử dụng và thải bỏ không đúng cách đối túi nilon khó phân hủy gây ra nhiều tác hại với môi trường và con người, cụ thể:

-  Đối với sức khỏe con người:

+ Các loại đồ nhựa dùng một lần có màu sắc bắt mắt nếu sử dụng để đựng thực phẩm tươi sống, đồ ăn chín có thể khiến thực phẩm nhiễm kim loại nặng gây tác hại cho não và ung thư phổi.

 + Sử dụng các vật liệu nhựa để đựng thực phẩm có tính axit như dưa muối, cà muối hoặc thực phẩm nóng, các hóa chất dẻo trong túi nilon sẽ tách khỏi thành phẩn nhựa gây độc cho thực phẩm.

+ Sản phẩm dùng 1 lần thường không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, có thể mang theo vi khuẩn, mầm mống bệnh có hại cho sức khỏe.

+ Việc tự ý đốt rác thải nhựa trong điều kiện hở, không kiểm soát ở nhiệt độ thấp tạo ra khói đen kèm các chất ô nhiễm độc hại gây nguy cơ bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh, gan thận, sinh sản, tồn lưu tích lũy sinh học, giảm khả năng miễn dịch, dị tật bẩm sinh, rối loạn chức năng tiêu hóa,…

 + Trong bãi chôn lấp, túi nilon khó phân hủy sẽ cản trở sự phân hủy của các chất thải khác, làm sản sinh ra nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

 - Đi vi môi trường: Rác thải nhựa tồn lưu rất lâu trong môi trường đất, nước gây thoái hóa đất, làm cây trồng chậm sinh trưởng, phát triển; rác thải nhựa làm ô nhiễm mạch nước ngầm, tắc nghẽn cống rãnh, làm mất mỹ quan đô thị, khu, điểm du lịch; gây hại cho sinh vật, nhất là sinh vật dưới nước. Việc đốt rác thải nhựa làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu

3. Những việc hội viên phụ nữ cần làm gì để hưởng ứng Phong trào chống rác thải nhựa?

- Chủ động, tích cực tìm hiểu “mối nguy hiểm từ rác thải nhựa”, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo thói quen hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng 1 lần.

- Thực hiện 3T: Tiết giảm; Tái sử dụng; Tái chế bắt đầu từ việc thay đổi hành vi từ trong mỗi gia đình và trong các hoạt động ở cơ quan, công sở:

+ Tiết giảm: Sử dụng chai, cốc thủy tinh thay cho chai nhựa; mua sắm đồ dùng sinh hoạt, các loại hóa mĩ phẩm hàng ngày như dầu gội, xà phòng, nước giặt, nước mắm…nên mua chai, túi cỡ to thay cho các chai cỡ nhỏ. Sử dụng xà phòng bánh từ nguyên liệu thiên nhiên để giảm chai lọ nhựa đựng sữa tắm, nước rửa tay; thay thế túi nilon bằng túi sinh học tự phân hủy, túi giấy...thân thiện với môi trường. Hạn chế sử dụng màng bọc thực phẩm, tích trữ thực phẩm đông lạnh; giữ đồ ăn thừa, bảo quản đồ ăn, đựng đồ…trong hộp thủy tinh thay cho chai nhựa/hộp nhựa; ưu tiên mua sản phẩm đựng trong hộp giấy/túi giấy thay vì hộp nhựa/túi nhựa; sử dụng làn nhựa/túi để đi chợ thay cho túi nilon. Mang theo bình đựng nước có thể dùng lại nhiều lần.

+ Tái sử dụng: Sử dụng lại những chiếc túi túi nilon, chai, lọ nhựa còn mới, sạch..

+ Tái chế: Thu gom các sản phẩm làm từ nhựa đã sử dụng để phân loại, tái chế, số tiền thu được để xây dựng Quỹ Hội; tận dụng rác thải nhựa (Chai, lọ, nhựa có kích cỡ lớn...) để trồng cây, trồng hoa, làm các vật dụng để trang trí...góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường.   

- Nếu bạn không thể TÁI SỬ DỤNG hãy TỪ CHỐI dùng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như đũa, muỗng, thìa, dĩa, chai, ly, hộp, đặc biệt là túi nilon, nhựa màu đen.

- Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sống: Giữ gìn vệ sinh công cộng không vứt rác bừa bãi, phân loại rác thải từ trong gia đình; trồng hoa, trồng cây xanh, dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tham gia xây dựng“Tuyến đường kiểu mẫu”, “Nhà sạch vườn đẹp”, CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, các hoạt động tổng vệ sinh môi trường  tại nơi ở, nơi làm việc, nơi công cộng…; tuyên truyền vận động người thân trong gia đình, trong cộng đồng cùng thực hiện.

 Hãy nhớ: Những gì chúng ta thải ra môi trường sẽ đi vào thức ăn của chính chúng ta!


ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG  SINH HOẠT HỘI VIÊN QUÝ IV/2019
 

1. Nêu mục đích, ý nghĩa của đợt sinh hoạt: Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/1930 - 20/10/2019, Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Kỉ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Ninh Bình. (18/10/1959-18/10/2019)

2. Học tập và thảo luận tài liệu sinh hoạt hội viên, thống nhất hành động trong chi hội.

3. Bình xét danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu”, “Cán bộ Hội giỏi” đảm bảo công khai, dân chủ, chính xác. Rà soát các hộ gia đình đạt 8 tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

4. Biểu dương phụ nữ điển hình trên các lĩnh vực, đề xuất Hội cấp trên và chính quyền, các ngành khen thưởng phụ nữ tiêu biểu.

5. Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỉ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 tập trung vào các hoạt động: Tích cực thu hoạch lúa mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ đông; học và làm nghề tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ  thiện, vệ sinh môi trường,...


Tác giả bài viết: Ban Tuyên giáo