Tài liệu SHHV Quý IV/ 2018: Phụ nữ Ninh Bình tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên

Trong không khí thi đua kỉ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, dịp sinh hoạt hội viên kỳ này chúng ta cùng nhau học tập chuyên đề “Phụ nữ Ninh Bình tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên”.

1. Tội phạm là gì?

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tội phạm được phân thành bốn loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự.

2. Tình hình phạm tội trong lứa tuổi thanh, thiếu niên hiện nay như thế nào ?

Tình hình tội phạm nói chung và tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, xảy ra ở hầu hết các loại tội phạm trên địa bàn, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, đã có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tính từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2018, có 602 đối tượng thanh thiếu niên bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử với các tội danh: Giết người, làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu với trẻ em, mua bán hàng cấm, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, vi phạm quy định về điều kiển phương tiện giao thông đường bộ, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, chống  người thi hành công vụ, chứa mại dâm ...

Đối tượng phạm tội chủ yếu là nam giới (584/602 chiếm 97%), phạm tội chủ yếu trong độ tuổi 18 - 30 (581 đối tượng chiếm 96,5%), phạm tội từ 16 đến dưới 18 tuổi là 21 đối tượng (chiếm 3,5%).

Tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội là người nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao 223 đối tượng (= 37%). Quy mô tội phạm ngày càng lớn, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi nhất là loại tội phạm có sử dụng công nghệ cao, sử dụng hung khí, vũ khí nguy hiểm. Đa số thanh thiếu niên phạm tội đều có học vấn thấp, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định (chủ yếu là lao động tự do 593 đối tượng = 98,5%).

Hậu quả do tội phạm gây ra không những ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng phạm tội, gia đình có người thân phạm tội mà còn ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tới đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, ...  tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.

3. Những nguyên nhân chính nào dẫn đến thanh thiếu niên phạm tội ?
          - Bản thân thanh thiếu niên : Nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên chưa tuân thủ đúng pháp luật. Mặt khác do đặc thù tâm lý lứa tuổi thích mạo hiểm, thử nghiệm, dễ bị kích động nên thanh thiếu niên hành động bột phát, chưa làm chủ bản thân; một bộ phận thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ, mắc tệ nạn xã hội, suy thoái về đạo đức, lối sống dễ bị bạn bè lôi kéo vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, chủ yếu các đối tượng phạm tội không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, để có tiền chi tiêu cá nhân đã thực hiện các hành vi phạm tội.

- Về phía gia đình: Hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ thiếu gương mẫu, làm việc bất hợp pháp hoặc vi phạm pháp luật, rượu chè, cờ bạc, trong gia đình thường xảy ra bạo lực, bố mẹ ly dị, ly thân, bố mẹ đi làm ăn xa… Việc quản lý, giáo dục thanh thiếu niên trong gia đình chưa phù hợp, thiếu quan tâm, hoặc quá nuông chiều, che giấu khi con em có hành vi phạm tội, mắc tệ nạn xã hội... chưa có biện pháp giáo dục, lên án, ngăn chặn kịp thời khi con em có những biểu hiện hư, vi phạm pháp luật.

- Về phía xã hội: Cơ chế thị trường với lối sống thực dụng, ích kỷ, tranh ảnh, sách báo, internets có nội dung xấu, tác động mặt trái của game olnie, bạo lực trong mạng xã hội ... đã đang ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức và lối sống của thanh thiếu niên. Việc quản lý các điểm kinh doanh karaoke, nhà hàng, các điểm dịch vụ Internet game online với các trò chơi, phim ảnh kích động bạo lực, khiêu dâm… có lúc, có nơi còn lỏng lẻo; sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình – xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên chưa chặt chẽ tác động không tốt đến thanh thiếu niên.

4. Cán bộ, hội viên phụ nữ cần làm gì để tham gia phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên ?

- Đối với cán bộ Hội:
Tăng cường tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và nhà nước về công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật. Giáo dục hội viên, phụ nữ ý thức, trách nhiệm trong quản lý, giáo dục con em mình; phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên.

Cung cấp kiến thức, tư vấn việc nuôi dạy con theo khoa học nhất là lứa tuổi vị thành niên; kịp thời cung cấp thông tin, có biện pháp ngăn chặn phù hợp khi thanh, thiếu niên có biểu hiện, nguy cơ vi phạm pháp luật.

Quan tâm hỗ trợ các gia đình và thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt về vốn vay, dạy nghề, hỗ trợ việc làm; vận động hội viên phụ nữ ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu chính đáng tạo điều kiện chăm lo cho con em học tập, giảm thiểu nguy cơ mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

- Đối với hội viên phụ nữ:
Phải là tấm gương mẫu mực trong mọi lĩnh vực: lao động, học tập,đạo đức lối sống, trong cuộc sống gia đình và giao tiếp xã hội để con em noi theo.

Tự giác học tập nâng cao kiến thức, hiểu tâm sinh lý lứa tuổi trong giáo dục trẻ vị thành niên. Quan tâm tạo điều kiện để con em phát triển tốt về thể lực, tâm lý, tình cảm, Chia sẻ và giải quyết những vướng mắc, quản lý việc chi tiêu, giúp con em yêu lao động, định hướng việc làm phù hợp. Dạy cách ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội, với bạn bè, đặc biệt với bạn khác giới, hình thành ý thức giới tính lành mạnh. Giúp con em phát triển về trí tuệ.

Quan tâm quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng ý thức tuân thủ luật pháp luật cho con em độ tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt quan tâm hướng dẫn con, em sử dụng mạng xã hội, định hướng cho con em chơi với bạn tốt, tránh bạn xấu, nắm được những thay đổi của con em để giúp đỡ, uốn nắn kịp thời. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường. Khi con em có những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật thì  không che giấu, chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan để giáo dục con em.

Tích cực tham gia cảm hóa, giúp đỡ người vi phạm pháp luật lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; chủ động cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội, những biểu hiện hư, vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên cho lực lượng công an để đấu tranh ngăn chặn.

Thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, rèn luyện phẩm đạo đức chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang góp phần xây dựng môi trường gia đình và xã hội lành mạnh.

Tác giả bài viết: Ban Tuyên giáo