TLSHHV Quý IV/2020: Lịch sử, truyền thống 90 năm trưởng thành và phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020)

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong dịp sinh hoạt hội viên kỳ này, chúng ta cùng nhau ôn lại những dấu mốc lịch sử tự hào của HộiLiên hiệp Phụ nữ Việt Nam
I. Lịch sử, truyền thống 90 năm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

1. Sự ra đời của các tổ chức phụ nữ trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập

Giai đoạn 1930 - 1940: năm 1930,tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản từ ngày 06/011/1930 - 08/02/1930, Hội nghị quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội Phụ nữ Giải phóng.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhấtvào tháng 10/1930cũng đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “Phụ nữ hiệp hội”. Đồng thời Trung ương Đảng đã đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ đây, tổ chức phụ nữ giải phóng thực hiện đa dạng các phương thức tổ chức, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng, tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến, trong đó điển hình là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng chủ trương: “Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến, các hội cứu tế, bảo an… để giúp đỡ nhau, chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình”. Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội Phụ nữ Phản đế, thành viên của Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (năm 1939), và “Đoàn phụ nữ cứu quốc”, thành viên của Mặt trận Việt Minh (năm 1941) để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, tập hợp và xây lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Giai đoạn 1941-1945: Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập ngày 16/6/1941. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Để gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc giải quyết nạn đói... Hội Phụ nữ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. 

2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập,tập hợp phụ nữ thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất và bảo vệ đất nước

Giai đoạn 1946 - 1954: đấu tranh chống thực dân Pháp

Ngày 03/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam.

Từ ngày 18 - 29/4/1950: Đại hội Đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ nhất được diễn ra tại Đại Từ, Thái Nguyên (Chiến khu Việt Bắc). Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức Hội thống nhất lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Namtrong giai đoạn này đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện nhiều phong trào như: “Diệt giặc dốt”; “diệt giặc đói”; “Đời sống mới”; phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”. Trong 18 chiến dịch lớn của cả nước, phụ nữ đã đóng góp 9.578 nghìn ngày công. Cũng trong giai đoạn này, lực lượng phụ nữ tham gia dân quân du kích ngày càng nhiều. Tiêu biểu là đội “nữ du kích Hoàng Ngân” thu hút 7.365 chị em tham gia. Các chị đã cùng quân dân tỉnh Hưng Yên đánh hơn 1.000 trận, lập chiến công lẫy lừng. Phong trào nữ du kích Hoàng Ngân còn được Bộ Quốc phòng tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng điển hình, phổ biến cho các tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và miền Bắc… Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, phụ nữ các dân tộc Tày, Thái, Mèo, Dao, Nùng, Hoa, Puộc, Xá… đã tham gia đông đảo. Có thể nói, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã bằng mọi nỗ lực vận động chị em phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Giai đoạn 1954 - 1975: thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc

Đáp ứng yêu cầu cách mạng, ngày 08/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổ chức Hội Phụ nữ hai miền Nam - Bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền và cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức Hội hai miền phát động phong trào riêng, có tác động lan tỏa và sâu rộng trong các cấp Hội Phụ nữ.
Tronggiai đoạn này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Namđã phát động phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế, như: Phong trào thi đua“5 tốt” với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt; phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào Ba đảm đang là bước phát triển mới của phong trào “5 tốt”, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Namgiai đoạn 1965 - 1975, là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kì hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Namvà là bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

3. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phát triển và hội nhập

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong cả nước trong một tổ chức là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đến năm 2010, tại thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lớn mạnh không ngừng, là tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt trong phong trào phụ nữ, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ,Hội đã tham mưu, đề xuất chính sách, phát động nhiều phong trào thi đua góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và xây dựng đất nước. Hội đã đạt được những bước tiến dài trên con đường tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, thực hiện chính sách thai sản cho phụ nữ và đề xuất thay đổi độ tuổi nghỉ hưuđối với lao động nữ…

Những phong trào phụ nữ và hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1976 đến nay:

- Năm 1978: Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

- Năm 1989: Hội LHPN Việt Nam phát động hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”.

- Năm 1990: Phát động “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.

- Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII (1992): Tiếp tục thực hiện hai Phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”“Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” và“Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.

- Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (1997): phát triển hai phong trào thi đua từ Đại hội VII thành phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”; Phong trào  “Giỏi việc nước đảm việc nhà” tiếp tục được thực hiện trong nữ công nhân viên chức;Phong trào“Ngày tiết kiệm vì Phụ nữ nghèo” được phát triển thành “Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm tăng thu nhập”. 

- Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (2002): tiếp tục phát động phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

- Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (2007): tiếp tục phát động phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.

- Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (2012) phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; đồng thời triển khai sâu rộng 2 cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

- Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (2017): Phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Có thể nói, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Namlà tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội trong nước đã tổ chức thực hiện được nhiều chương trình hoạt động, tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để phụ nữ tiến bộ, bình đẳng. Tổ chức Hội được củng cố và phát triển, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, tâm huyết, phấn đấu nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hội cũng phát huy vai trò, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, chú trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, tích cực tham gia các cơ chế đa phương.

II. Hội viên phụ nữ cần làm gì để xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh

1. Tích cực học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; học tập nâng cao kiến thức, kĩ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia giám sát việc thực hiện chính sách về bình đẳng giới, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng tổ chức Hội.

2. Tích cực, chủ động hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động và hoạt động của Hội ở địa phương. Nhất là Phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”…

3. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ khác cùng tham gia sinh hoạt chi hội; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của hội viên; tương trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cùng tiến bộ.

4. Nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động, giáo dục người thân trong gia đình chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

5. Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII.
 
ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT HỘI VIÊN QUÝ IV/ 2020
 
1. Có hình thức phù hợp để ôn lại ý nghĩa lịch sử 90 năm Ngày thành lập Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam và học tập, thảo luận tài liệu sinh hoạt hội viên.

2. Phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

3. Tập trung thực hiện các chỉ tiêu thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, chăm sóc sức khỏe, tích cực phòng, chống dịch bệnh COVID-19.Tích cực tham gia Cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII.
 

Tác giả bài viết: Ban Tuyên giáo