TLSHHV QUÝ I/2022: Phụ nữ Ninh Bình tích cực học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng; thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình, 30 năm tái lập tỉnh

Hướng tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 và Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822 - 2022) và 30 năm tái lập tỉnh (01/4/1992 - 01/4/2022), trong dịp sinh hoạt kỳ này chúng ta cùng học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; một số nội dung cơ bản củaKết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, Đảng viên suy toái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, văn minh.

I. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng mácxít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện căn bản, tiên quyết đưa đến những thành công của cách mạng nước nhà.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có một số nội dung cốt lõi như sau:

1. Về ý chí tự lực, tự cường: Tư tưởng của Bác về ý chí tự lực, tự cường được thể hiện:

- Thứ nhất là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế: Với ý chí, khát vọng đấu tranh mạnh mẽ, bất khuất vì độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động dành thắng lợi mà không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc (tức là các nước tư bản) có thắng lợi hay không.

- Thứ hai là nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng: Bác cho rằng, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”. Bác nhấn mạnh nguyên tắc “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”.

- Thứ ba là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng: tư tưởng tự lực, tự cường, chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện cách mạng của Bác tiếp tục được phát triển và khẳng định trong các giai đoạn cách mạng sau, đưa tới thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong 35 năm đổi mới.

- Thứ tư là đặc biệt chú trọng, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân: phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến sức mạnh quần chúng thành sức mạnh cách mạng.

- Thứ năm là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc: ý chí tự lực, tự cường tiếp tục được Đảng ta phát huy trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau giải phóng đến nay.

2. Về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Theo Bác, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải được thể hiện thông qua việc: Xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh vì hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân. Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của toàn Đảng, Chính phủ và các tầng lớp Nhân dân. Luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận và thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp.Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.

II. Mội số nội dung cơ bản của Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

1. Về mục tiêu: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Kết luận của Trung ương xác định có 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai thực hiện thời gian tới đó là:

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó xác định các nhiệm vụ cần làm đó là:

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp uỷ đảng về công tác cán bộ.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; của báo chí. Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

- Hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở để thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của chính quyền các cấp. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu kiện, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình nêu gương sáng, có sức lan toả lớn trong Đảng và xã hội.

III. Những thành tựu của tỉnh Ninh Bình sau 30 năm tái lập

Ngày 01 tháng 4/1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Trải qua 30 năm đổi mới và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là:

- Thứ nhất, kinh tế của tỉnh liên tục có tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững.Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,71%. Tổng thu ngân sách  năm 2021 đạt trên 22,094 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2021, có 4 huyện được công nhận đạt chuấn nông thôn mới và Thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 98,3%); có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 165/1355 thôn đạt Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

- Thứ hai, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, nông nghiệp, điện năng, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Thứ ba, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân được cải thiện, lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển. 5 năm liên tiếp Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,44%, hộ cận nghèo còn 2,05%.

- Thứ tư, công tác quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho Nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh.

- Thứ năm, hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Phương thức, năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh.

- Những phần thưởng cao quý đã đạt được trong 30 năm đổi mới và phát triển: Tỉnh Ninh Bình 3 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2007, 2012, 2015). Nhiều tập thể cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, anh hùng Lao động, “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Huân, Huy chương các loại.

IV. Thông tin về Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 là ngày hội lớn của phụ nữ Việt Nam, một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Với chủ đề: Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 sẽ được long trọng tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 09 đến ngày 11/3/2022.

Về dự Đại hội có 1.000 Đại biểu tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của phụ nữ cả nước. Dự Đại hội, Đoàn đại biểu phụ nữ tỉnh Ninh Bình có 13 đại biểu triệu tập do Đ/c Đào Thị Hòa, Tỉnh ủy viên, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khoá 12, Chủ  tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình làm trưởng đoàn.

V. Một số việc phụ nữ cần làm để học tập, làm theo Bác, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh

- Tích cực nghiên cứu, học tập nội dung Chuyên đề toàn khóa Đại hội 13 của Đảng về học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng(Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Quy định số 37-QĐ/TWngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm).

- Phát huy truyền thống của đất nước, của Hội và của phụ nữ Việt Nam, đổi mới, sáng tạo, ý thức làm chủ, có khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Phát huy nội lực, đặt mục tiêu phát triển bản thân, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ với các nội dung trọng tâm sau:

Thực hiện trách nhiệm công dân, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy chế của địa phương, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thực hiện các Phong trào thi đua yêu nước, các Cuộc vận động và hoạt động của Hội. Thực hiện đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh. Thực hiện ít nhất một việc cụ thể “làm theo” Bác như hưởng ứng trồng cây xanh "Phụ nữ vun trồng tương lai - vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" với tinh thần "Mỗi phụ nữ - một cây xanh", "Mỗi cơ sở Hội - Một công trình cây xanh". Phấn đấu 100% cơ sở Hội xây dựng/nhân rộng 01 mô hình đường hoa/đường cây hiệu quả và tham gia các hoạt động cộng đồng, công tác hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa.

Không ngừng học tập tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu hội nhập; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Cùng các thành viên trong gia đình xây dựng, vun đắp, giữ gìn, phát triển những giá trị tốt đẹp của gia đình, chuẩn mực văn hóa con người Việt Nam, con người Cố Đô Hoa Lư.

Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và Khối đại đoàn kết dân tộc. Ngăn chặn tác động tiêu cực từ các thông tin trên mạng xã hội đến gia đình.

          Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhưng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tuân thủ nguyên tắc “5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; luôn ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình; thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh tại địa chỉ: http://hoiphununinhbinh.org.vn, trang fanpage của Hội LHPN tỉnh địa chỉ: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình./.

Xem và tải văn bản TẠI ĐÂY.
 

Tác giả bài viết: Hội LHPN tỉnh Ninh Bình