Thái hậu Dương Vân Nga

Bà sinh năm Nhâm Dần 942, con ông Dương Thế Hiển quê ở vùng Nho Quan (Ninh Bình) thuộc dòng họ quyền thế đương thời. Năm 968, bà được gả cho Đinh Bộ Lĩnh khi ông tiến quân dẹp loạn mười hai sứ quân.

Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, Dương Vân Nga được phong Hoàng hậu. Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và con trai cả là Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Đinh Toàn, con út của vua Đinh mới lên sáu tuổi nối ngôi vua cha. Hoàng Thái hậu Dương Vân Nga là người có tài, có đức, buông mành chấp chính thay con. Nội bộ triều Đinh lúc này lục đục. Bên ngoài nhà Tống đang nhòm ngó, âm mưu xâm lược nước ta. Trước họa mất nước, Dương Vân Nga đã đặt lợi ích quốc gia lên trên dòng tộc mình. Bà đã lấy áo long cổn của vua Đinh trao cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có tài thao lược để lên ngôi vua trị vì đất nước. Sau lễ đăng quang, Lê Hoàn đã tập hợp đại quân, thân chinh phá tan giặc Tống giữ toàn vẹn cho non sông, xã tắc. Khi Lê Hoàn đem quân đi đánh giặc, Dương Vân Nga đã chăm lo việc triều chính để an lòng trăm họ. Ngày đất nước toàn thắng, nhân dân Đại Cồ Việt mừng vui khúc khải hoàn, cũng là ngày mừng duyên tác hợp của Lê Hoàn với Thái Hậu Dương Vân Nga. Lịch sử đã ghi tên bà. Nhân dân ta đã tạc tượng thờ bà và gọi bà là Bà Hoàng của hai triều đại. Hiện nay bà được thờ phụng ở đền vua Lê, khu di tích cố đô Hoa Lư. 
 
             

Nguồn tin: Theo Nguồn: “ Truyền thống vẻ vang và những tấm gương Phụ nữ Ninh Bình ” - Hội LHPN tỉnh Ninh Bình xuất bản năm 1995.