Tăng cường hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật

Những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình đã dành nhiều sự quan tâm đến các đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực như: hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng quà… đã tạo điều kiện và tiếp thêm nghị lực để những người kém may mắn nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhiều phụ nữ khuyết tật tham gia học nghề tại Trung tâm dạy nghề- phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật.
Đã hơn 20 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng biến chị từ một phụ nữ khỏe khoắn, căng tràn sức sống thành người tàn phế, chị Đinh Thị Tỉnh ở thôn Phú Linh, xã Văn Phú (huyện Nho Quan) vẫn chưa hết bàng hoàng. Bị đá lở trong một lần đi lấy củi, chị Tỉnh bị cưa mất một chân. “Tôi thực sự hoảng sợ khi trở thành người tàn phế. Những đau đớn về thân thể không còn là gì nữa, trong tôi chỉ còn lại sự buồn chán, thất vọng và lo sợ cho cuộc sống sắp tới. Tôi sẽ làm gì để tiếp tục sinh sống và chăm lo cho đứa con gái nhỏ của tôi mới lên 7 tuổi.Vậy là tôi gượng dậy, tập thích nghi với cuộc sống mà chỉ còn 1 chân. Rồi cuộc sống của tôi dần ổn định trở lại. Tôi đã tự tay chăm sóc được gia đình nhỏ của mình, tìm lại được niềm vui trong cuộc sống”- chị Tỉnh xúc động cho biết. Để mưu sinh, chị Tỉnh quyết tâm trở lại với nghề may- nghề mà chị đã học từ năm 20 tuổi. Thời ấy, chưa xuất hiện nhiều đồ may sẵn như bây giờ nên khách hàng đến với tiệm may rất đông. ở quê chị Tỉnh cũng có nhiều người làm nghề may, bởi vậy muốn tồn tại được thì các tiệm may phải thực sự có uy tín. Được sự động viên của gia đình, của chính quyền địa phương và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, có thời điểm, chị Tỉnh đầu tư hơn 20 máy may và thuê 20 thợ làm thêm. Làm việc nghiêm túc, uy tín nên hiệu may của chị nhận được nhiều đơn đặt hàng may xuất khẩu, tạo việc đều đặn, ổn định cho thợ. Những người tìm đến hiệu may của chị Tỉnh xin học việc, xin làm nghề thì nhiều lắm, trong đó phần lớn là những người bị khuyết tật. Có lẽ, hơn cả việc kiếm một nghề để mưu sinh, những người thợ tìm đến với chị Tỉnh là khát khao tìm cho mình một cảm xúc, một nghị lực, một quyết tâm lớn trong cuộc sống từ người phụ nữ đặc biệt này.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Yên Ninh là 1 trong 5 người khuyết tật đã được học nghề và tạo việc làm từ cơ sở may của chị Đặng Thị Thơm- một người khuyết tật ở phố Khu Tây, thị Trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh). Với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng, chị Hoa đã tự chăm lo được cho cuộc sống của bản thân mình. “Không chỉ mang lại việc làm và nguồn thu nhập cho chúng tôi, chị Thơm còn thực sự là tấm gương, là nguồn cảm hứng lớn để những người thiếu may mắn thêm động lực để vươn lên”- chị Hoa chia sẻ về chị Đặng Thị Thơm. Được biết, cả hai vợ chồng chị Thơm đều là người khuyết tật, chị Thơm bị gù lưng nên rất khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. Do sức khỏe yếu không làm được việc nặng nhọc, chị Thơm học thêm nghề may để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Với bàn tay khéo léo và sự cần cù chịu khó, nghề may đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình chị. Chị Thơm được vay các nguồn vốn vay ưu đãi để mở cơ sở may, dạy và tạo việc làm cho người lao động địa phương. Hiện nay cơ sở may có 22 máy may, chủ yếu là may gia công hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động, trong đó chủ yếu là người khuyết tật nữ với mức lương bình quân từ 4-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với nghị lực của bản thân những người khuyết tật trong việc gây dựng nghề nghiệp cho chính bản thân mình và những người cùng cảnh ngộ, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt đối với những người phụ nữ khuyết tật. Trung tâm  dạy nghề- phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Ninh Bình cơ sở 2 được thành lập từ tháng 8/2019, là cơ sở đào tạo nghề ngắn hạn thuộc hệ thống dân lập, do UBND thành phố Ninh Bình ra quyết định hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Chị Phạm Thị Hà, Chủ nhiệm CLB nữ khuyết tật tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay, Trung tâm dạy nghề- phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật là phụ nữ với những nghề phù hợp với khả năng, trình độ, sức khỏe của người lao động như: chiếu gỗ, đệm ghế, mũ giấy… đòi hỏi độ tinh xảo, khéo léo cao, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp cho người khuyết tật ổn định cuộc sống và thêm tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Trong năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề đan bèo bồng và may cho 61 hội viên, phụ nữ khuyết tật ở xã Thạch Bình và Cúc Phương. Đến nay, 100% hội viên duy trì được nghề đã học với mức thu nhập từ 2- 3 triệu đồng/người/tháng. Với những hoạt động thiết thực đó, trong năm 2019, Hội Phụ nữ các cấp đã giúp 269 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ phụ nữ khuyết tật.

Tác giả bài viết: Đào Hằng