Phụ nữ xã Khánh Trung tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Xã Khánh Trung (Yên Khánh) bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, khi đó xã mới đạt 7/19 tiêu chí. Điều khiến cấp ủy, chính quyền nói chung, Hội Phụ nữ xã nói riêng rất băn khoăn, lo ngại là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có hội viên, phụ nữ về chủ trương này chưa đầy đủ. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã ở mức cao với 417 hộ, trong đó có 159 hộ nghèo do nữ đứng chủ.
Diện mạo nông thôn mới của xã Khánh Trung (Yên Khánh) ngày càng khởi sắc có sự đóng góp của hội viên, phụ nữ trong xã. Ảnh: Minh Quang
Trước thực tế đó, Hội Phụ nữ xã xác định, với số lượng hội viên đông đảo (chiếm trên 50% dân số toàn xã), nếu chị em tham gia tích cực sẽ có tác động mạnh mẽ đến kết quả xây dựng nông thôn mới, do đó Hội chủ động tìm các giải pháp trọng tâm để thực hiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về xây dựng nông thôn mới được coi là khâu then chốt vì chỉ khi chị em đồng thuận cao thì các nhiệm vụ triển khai mới có hiệu quả. 

Ban đầu một số chị em do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa tán thành việc người dân phải đóng góp tiền của, công sức, đất đai làm đường giao thông, chưa tán thành chủ trương dồn điền, đổi thửa… nên không tự giác tham gia. 

Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm cho hội viên, phụ nữ, Hội đã kiên trì tuyên truyền, vận động thông qua tư vấn trực tiếp, các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ được nâng lên rõ rệt. 

Chị em đã thực sự vào cuộc với việc vận động gia đình hiến trên 23 nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công, trên 10 tỷ đồng làm 22,3 km đường giao thông nông thôn, xây kênh mương, cầu cống, nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã, quyên góp trên 300 triệu đồng ủng hộ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1…

Bên cạnh đó, xác định giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, hàng năm Hội Phụ nữ xã đã khảo sát, nắm tình hình, phân loại để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. 

Đối với những hộ có khả năng thoát nghèo, Hội phân công cán bộ, hội viên giúp đỡ và yêu cầu gia đình cam kết vươn lên thoát nghèo khi được hỗ trợ. Với tổng số vốn Hội đang quản lý là 24 tỷ đồng, Hội đã tạo điều kiện cho gần 2 nghìn hội viên phụ nữ vay vốn, trong đó có 45 gia đình phụ nữ nghèo có nhu cầu đều đã được vay. 

Để đồng vốn phát huy hiệu quả, Hội chủ động phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ. Đến nay có 159 chị làm nghề thường xuyên, thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng, giới thiệu việc làm cho trên 300 lao động nữ. 

Nhiều chị em đã áp dụng KHKT trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, mở rộng các trang trại, gia trại trồng và chăn nuôi các loại cây, con đặc sản cho giá trị kinh tế cao, tạo được việc làm cho nhiều lao động. 

Điển hình như gia đình chị Bùi Thị Tám ở thôn 2 với 1.000m2 lán trại làm nấm, hơn 5 mẫu vườn đa dạng các loại cây trồng cho thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 đến 20 lao động nữ ở địa phương. Hoặc như tổ hợp may của gia đình chị Phạm Thị Hải Đường ở thôn 5 đã và đang giải quyết việc làm cho 40-50 lao động với mức lương trung bình từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng… 

Trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ xã đã giúp 117 hộ nghèo do nữ đứng chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 13,89% năm 2011 xuống còn 6,2% (tiêu chí mới).
Trong tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ xã cũng đặc biệt quan tâm đến tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường. Trong điều kiện xã chưa có khu xử lý rác thải riêng, dân số lại đông nếu không có biện pháp hạn chế lượng rác thải ngay từ mỗi gia đình thì sẽ tốn kém công sức, tiền bạc cho việc vận chuyển, xử lý rác.

Đảng ủy xã giao cho Hội Phụ nữ là lực lượng chủ đạo trong công tác vệ sinh môi trường. Hội đã gắn nhiệm vụ này với việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường. 

Trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 tiêu chí: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, hướng dẫn chị em phân loại và xử lý rác thải từ gia đình, duy trì phong trào “Ngày chủ nhật sạch”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, trồng hơn 5.000 cây xanh trong vườn nhà, khuôn viên nhà văn hóa thôn và các tuyến đường… Trong 4 năm gần đây, Hội đã vận động nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Phụ nữ xã đã có những đóng góp quan trọng hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tháng 9-2015, xã Khánh Trung được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hội Phụ nữ xã vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen.

 

Tác giả bài viết: Đào Duy

Nguồn tin: Báo Ninh Bình