Phụ nữ Yên Khánh với phong trào xây dựng nông thôn mới

Yên Khánh là huyện nông nghiệp và là một trong 3 vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Toàn huyện có 18 xã và 01 thị trấn, diện tích tự nhiên 139 km2, dân số trên 135.800 người trong đó có 9,5% người theo đạo Công giáo. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Huyện; Hội LHPN huyện xác định tham gia XDNTM là trách nhiệm và đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong giai đoạn hiện nay.
Các hộ gia đình Mô hình "Liên kết sản xuất nấm" tại xã Khánh Công, huyện Yên Khánh đóng gói sản phấm nấm tươi.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hội còn gặp nhiều khó khăn: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương XDNTM chưa đầy đủ, chưa nhận thấy rõ vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong XD NTM; Ý thức của người dân về việc giữ gìn VSMT chưa cao; phát triển nông nghiệp chưa tương xứng; Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nông thôn còn thiếu thốn trong khi các nguồn lực huy động trong dân để XD NTM còn khó khăn. Từ nhận thức đó, Hội LHPN huyện Yên Khánh đã chủ động xác định nội dung ưu tiên mà Hội cần tập trung thực hiện để tham gia xây dựng NTM, đó là:

Các cấp Hội đã xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương, chính sách, cách thức tiến hành các hoạt động, đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc tham gia XD NTM ở địa phương là khâu then chốt, vì chị em có hiểu thì mới đồng thuận và các nhiệm vụ triển khai mới có hiệu quả. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội tăng cường tuyên truyền, vận động, thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội viên, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, viết tin, bài tuyên truyền trên đài truyền thanh các cấp,... đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân. Chị em thực sự vào cuộc và trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. 

Trong giai đoạn 2010-2015, các gia đình đã tự nguyện hiến trên 30 nghìn ngày công lao động, hàng chục tỷ đồng, 328.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây kênh mương, cầu cống, nhà văn hóa thôn... Tiêu biểu như chị Đỗ Thị Sản, thôn 21, xã Khánh Trung đã chủ động vận động gia đình ủng hộ 100 triệu đồng sửa cầu từ Chợ Cát sang Khánh Mậu tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi; Chị Nguyễn Thị Mỵ xóm 2, xã Khánh Thành tháo dỡ 50m2 tường bao và hiến 102m2 đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn; Chị Lã Thị Thụy, thôn Hạ Giá xã Khánh Cư hiến trên 150m2 đất làm đường thôn xóm… Ngoài ra, chị em tích cực tham gia chỉnh trang nhà cửa, đồng ruộng, làm thủy lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiến tới thực hiện “3 không“ trong sản xuất nông nghiệp đó là không cấy, không gặt, không phơi...

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững được quan tâm. Hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát, nắm tình hình, phân loại hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Các cấp Hội tín chấp trên 200 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 10.836 hội viên phụ nữ vay vốn, trong đó có gần 6 ngàn lượt hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo. Để đồng vốn có hiệu quả cao, hàng năm, 100% cơ sở Hội, 90% số chi hội đã phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT cho trên 116 ngàn lượt hội viên phụ nữ; tín chấp 258 tấn phân bón trả chậm với số tiền trên 3 tỷ đồng tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ sản xuất. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ hợp tổ chức 98 lớp dạy nghề đan bèo bồng, thêu ren, may xuất khẩu... cho 3.713 lượt người. Hỗ trợ và giới thiệu cho trên 3.000 phụ nữ và con em làm việc trong các doanh nghiệp, tổ hợp thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã giúp 279 phụ nữ nghèo đứng chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện từ từ 15,34% (năm 2011) còn 3,51% (năm 2014) và 5,6% năm 2015 (theo tiêu chí mới).

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, nhân diện các mô hình, điển hình trong  xây dựng nông thôn mới được đặc biệt chú trọng, có hiệu quả rõ nét: Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN huyện đã chủ động đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, triển khai hiệu quả một số mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm; mô hình vệ sinh môi trường thông qua thực hiện có hiệu quả “Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ tỉnh”, Dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra - CHOBA”, đã vận động trên 10 ngàn hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó có trên 50% hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Đến nay, có 7/16 xã đạt tỷ lệ bao phủ 75%, 01 xã đạt tỷ lệ bao phủ 95% so với trước khi thực hiện Dự án; vận động trên 3.517 hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học Biogas tiết kiệm năng lượng… Phong trào “Ngày thứ 7 sạch”, các hoạt động của tổ phụ nữ thu gom rác thải, tự quản VSMT, đoạn đường tự quản, cây xanh,... được hội viên, phụ nữ thường xuyên hưởng ứng.

Một số mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả đã góp phẩn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, mở rộng liên kết sản xuất hàng hóa kết hợp với tiêu thụ sản phẩm, góp phần đặt nền móng cho sản xuất bền vững. Như mô hình tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ tại xã Khánh Hồng, với 37 thành viên tham gia trồng 2ha rau,củ, quả các loại cho thu nhập 7-8 triệu đồng/sào; Mô hình cải tạo vườn tạp tại xóm 13 xã Khánh Thành đã vận động 65 hộ tham gia cải tạo vườn tạp trồng mướp đắng, dưa chuột, ớt chỉ thiên, thả rau rút, nuôi cá, lươn, trạch cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; Mô hình “Tổ liên kết sản xuất nấm và các loại rau, củ, quả” ở xã Khánh Công đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động, thu nhập bình quân từ 3 – 3,2 triệu đồng/người/tháng; mô hình vận động hội viên phụ nữ thực hiện dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở xã Khánh Nhạc; mô hình sản xuất lúa giống tại xóm 8 xã Khánh Trung,..

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, cán bộ hội viên phụ nữ toàn huyện góp phần đưa 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Yên Khánh trở thành điểm sáng trong toàn tỉnh về thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2018 đạt chuẩn Huyện nông thôn mới./.

 

Nguồn tin: Ban Hỗ trợ PN phát triển KT, Hội LHPN tỉnh