Ngăn chặn bạo lực gia đình

Đối với mỗi người phụ nữ, niềm mơ ước, mong muốn nhất trước khi bước vào hôn nhân là có một gia đình yên ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, với nhiều lý do, trong thực tế không ít chị em đã và đang là những nạn nhân bị bạo hành về thể xác, tinh thần bởi những người chồng của mình. Bạo lực gia đình luôn để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, do đó ngoài việc nạn nhân không nên im lặng chịu đựng, rất cần sự chung tay, vào cuộc để bảo vệ, giúp đỡ của người thân và cộng đồng xã hội.
Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016. Ảnh: Minh Quang
Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016. Ảnh: Minh Quang

Vụ việc chị H.G, ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) bị chồng dùng điếu cày đánh không thương tiếc phải nhập viện vừa qua chỉ là một trong số những vụ việc bị phát giác khi chị G bị đánh đập quá nặng phải cấp cứu tại bệnh viện. Trích xuất camera tại gia đình cho thấy, người chồng dùng điếu cày đánh tới tấp vào đầu, vào mặt và nhiều bộ phận trên cơ thể người vợ khiến chị G phải cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương: Bị thương ở vùng hàm, mặt, gãy răng cửa trên, mất nhiều máu, người thâm tím nhiều chỗ... Chị G nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Theo người thân của chị G, chị thường xuyên bị chồng đánh đập, chửi mắng, hành hạ về thể xác và tinh thần, nhưng chị thường giấu người thân, gia đình, chịu đựng một mình với mong muốn con cái có đủ cha, mẹ. Sự việc bị chồng đánh lần này chỉ bị phơi bày khi những thương tích về thể xác và tinh thần quá lớn, lúc này chị G mới làm đơn trình báo gửi lên cơ quan Công an yêu cầu làm rõ việc mình bị chồng bạo hành.

Vụ việc của chị H.G chỉ là một trong số nhiều vụ chị em bị bạo hành đến lúc không thể chịu đựng được, bị xâm hại nặng nề về tinh thần và thể xác mới lên tiếng tố cáo. Thực tế cho thấy, bạo hành gia đình là một hành vi vi phạm đến đạo đức xã hội nhưng vẫn tồn tại bởi có sự “tiếp tay” của chính nạn nhân. Cũng vì suy nghĩ nín nhịn, chịu đựng cho gia đình yên ổn và tâm lý “xấu chàng hổ ai” nên nhiều người vợ đã im lặng che giấu sự bạo hành của chồng. Bà Phạm Thị Biên, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong việc bạo hành gia đình, nếu nạn nhân không lên tiếng thì không ai giúp đỡ được. Để ngăn chặn nạn bạo hành, không có cách nào khác là chính nạn nhân phải lên tiếng, tìm hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình. Khi bị bạo hành, đừng cho rằng có lỗi của mình, đừng nhẫn nhục chịu đựng, đừng hy vọng người chồng sẽ thay đổi tâm tính bởi lẽ để cuộc sống gia đình êm ấm, tốt đẹp phải có sự nỗ lực chung tay của cả vợ và chồng. Không ai khác ngoài chính nạn nhân mới có thể thay đổi tình trạng bị bạo hành của họ. Khi nạn nhân vẫn cam chịu, im lặng, không dám lên tiếng khi bị đánh, bị xúc phạm thì bạo hành sẽ còn đất sống…

Cũng theo bà Biên, thực tế những năm qua, công tác phòng chống bạo lực gia đình luôn được chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện tốt. Đặc biệt là Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức thành lập các địa chỉ tin cậy, các CLB phòng chống bạo lực gia đình, các CLB tuyên truyền phổ biến pháp luật đều có ở các hội xã, phường, thị trấn trong tỉnh... Qua các CLB này giúp cho chị em phụ nữ được tư vấn, sẻ chia những khúc mắc trong cuộc sống gia đình để mọi người cùng tìm cách tháo gỡ. Cũng từ việc tham gia sinh hoạt ở các CLB mà không ít chị em đã dám lên tiếng khi bị bạo hành.

Hiện toàn tỉnh có 1.066 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở 145/145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, là nơi giúp các phụ nữ có thể chia sẻ về cuộc sống, tìm kiếm sự vào cuộc nếu bị bạo hành, xâm hại. Từ đầu năm 2016 đến tháng 4/2017, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức được 756 cuộc tuyên truyền, cung cấp kiến thức về các chính sách, pháp luật cho các địa chỉ này về: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân Gia đình, Phòng, chống tệ nạn xã hội, Phòng, chống HIV/AIDS… Hội phụ nữ cũng xây dựng tiêu chí “Gia đình không bạo lực” trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”… Đồng thời lồng ghép vào các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Hội, tổ chức tập huấn cho các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, trang bị kiến thức về gia đình, về giới và phòng, chống bạo lực gia đình, vai trò của địa chỉ tin cậy; quy trình và nguyên tắc hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phương pháp làm việc với người gây bạo lực; cách tìm hiểu, tiếp cận nạn nhân bị BLGĐ; kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nạn nhân cũng như phương pháp phối hợp với các ngành liên quan trong xử lý các đối tượng gây BLGĐ, giải quyết các vụ việc BLGĐ.

Cùng với đó, hội phụ nữ cũng thành lập 8 “Góc tư vấn giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân” tại các xã: Văn Phong (Nho Quan), Gia Hòa (Gia Viễn), thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư), phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình), xã Khánh Nhạc (Yên Khánh), xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp), xã Mai Sơn (Yên Mô) và thị trấn Bình Minh (Kim Sơn). Nội dung các góc tư vấn này tập trung truyền thông về giá trị các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình cho trên 900 phụ nữ, thanh niên, vị thành niên. Tư vấn về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; hỗ trợ về luật pháp, chính sách liên quan đến gia đình, hướng dẫn cách thức tổ chức cuộc sống gia đình... cho trên 150 trường hợp. Duy trì và nhân diện 121 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” sinh hoạt 4 kỳ/năm ở 93 xã, phường, thị trấn với 7.735 thành viên. Đồng thời, nhân Ngày gia đình VN (28-6) hàng năm, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đều tổ chức “Ngày hội gia đình hạnh phúc”, Hội thi nấu ăn với các chủ đề “Gia đình điểm 10”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, “Cơm ngon con khỏe”, các diễn đàn “Bạn thân của vị thành niên”, giao lưu “Là con gái thật tuyệt”, giao lưu “Tôi đã lớn”, diễn đàn “Tự hào tôi là phụ nữ Việt Nam”, giao lưu văn hóa, văn nghệ….

Để góp phần hạn chế và ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, thực hiện tốt Luật bình đẳng giới, các ngành, các cấp và tổ chức liên quan đã và đang tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn xã hội chung tay phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó vận động toàn xã hội góp sức, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả hơn chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, cùng hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cùng với đó là có những hoạt động giúp đỡ, sẻ chia, thông cảm giúp cho những phụ nữ bị bạo lực gia đình vươn lên trong cuộc sống.

 

Nguồn tin: Báo Ninh Bình