Hỏi đáp pháp luật về bầu cử năm 2016

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức vào chủ nhật, ngày 22/5/2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016, trong đó có hội viên phụ nữ. ​

Đối với hội viên, phụ nữ, việc tham gia bầu cử là trực tiếp thực hiện quyền dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hội viên, phụ nữ là những công dân có trách nhiệm đối với đất nước, vì vậy tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi chị em.
 Để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, Hội LHPN tỉnh xin giới thiệu một số câu hỏi và trả lời về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ hợp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử) đang được đông đảo phụ nữ quan tâm.
 
Câu 1. Luật Bầu cử quy định thế nào về tuổi bầu cử và tuổi ứng cử ?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 2, Luật Bầu cử quy định quy định về tuổi bầu cử và tuổi ứng cử như sau:
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này,

Câu 2. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri theo quy định của Luật Bầu cử ?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 30, Luật Bầu cử quy định các trường hợp sau đây không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri:
- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự  nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định tại Điều 29 của Luật bầu cử.

- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Câu 3. Những trường hợp nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 37, Luật Bầu cử quy định những trường hợp sau đây không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân:
1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị khởi tố bị can.
3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(còn nữa)

Nguồn tin: Ban CS-LP Hội LHPN tỉnh