Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025

Chiều 21/10, thực hiện quy trình bầu cử theo quy định, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII đã tiến hành các bước bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XXII.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 chuẩn bị; trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ cấu nhân sự được lựa chọn giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII.

Theo đó, số lượng ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII có 49 đồng chí, giảm 2 đồng chí so với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, tương đương 3,92%; tại Đại hội bầu 48 đồng chí.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII đảm bảo đổi mới không dưới 1/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đại hội đã biểu quyết nhất trí 100% số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 49 đồng chí, tại Đại hội bầu 48 đồng chí. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng trình bày Danh sách đề cử của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI, gồm 53 đồng chí để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, với số dư 10,4%.

Tiếp đó, các tổ đại biểu đã tiến hành thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII và thực hiện ứng cử, đề cử tại tổ đại biểu.

Kết quả, không có đồng chí nào ứng cử, đề cử tại các tổ đại biểu; không có đồng chí nào rút khỏi danh sách đề cử do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI trình tại Đại hội.

Đại hội đã biểu quyết 100% nhất trí với danh sách đề cử để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 53 đồng chí. 

Dưới sự điều hành của đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Đại hội đã bầu Ban kiểm phiếu của Đại hội gồm 11 đồng chí.

Tiếp đó, Đại hội đã tiến hành bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong khi Ban kiểm phiếu làm việc, Đại hội tiếp tục phần tham luận.

*Đồng chí Đặng Đức Tân, TUV, Chánh Văn phòng UBND tỉnh tham luận với nội dung: Giải pháp đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số trong điều kiện tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ chọn là địa phương thí điểm chuyển đổi số trong cả nước.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhất là những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác chỉ đạo, triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước và xây dựng Chính quyền điện tử tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực.

Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội về xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số, đồng chí Đặng Đức Tân đề xuất một số giải pháp sau: Phải có quyết tâm chính trị và tạo được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, quy định cụ thể người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số để làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành Chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó là tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, phát triển hạ tầng số của tỉnh. Xác định chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công cho tổ chức và công dân là khâu đột phá trong Chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để bảo đảm thực thi nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số...

*Đồng chí Lưu Danh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy tham luận với nội dung: "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; tă

Tham luận nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực này. 

Đồng chí Lưu Danh Tuyên cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong nhiệm kỳ tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhất là nội dung phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội... 

Tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, nhất là những vụ việc thuộc thẩm quyền. Coi hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ.

Tăng cường trách nhiệm của HĐND các cấp trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức thành viên và các cơ quan báo chí trong công tác phát hiện tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác dự báo tình hình khiếu nại tố cáo, kịp thời nắm bắt thông tin các tổ chức phản động, phần tử cơ hội kích động người dân lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Cùng với đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân...

*Đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham luận với nội dung: "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới".

Nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác tư tưởng đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. 

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Đó là: Quán triệt sâu sắc và thực hiện nguyên tắc, quan điểm công tác tư tưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành. Công tác tư tưởng phải đi liền với đời sống của nhân dân. Người làm công tác tư tưởng phải gắn bó với quần chúng, sâu sát hòa mình vào thực tiễn.

Phải dân chủ hóa trong công tác tư tưởng. Đây là bài học quan trọng, có ý nghĩa then chốt. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền đảm bảo kịp thời, sinh động, hấp dẫn và phù hợp thực tiễn để nâng cao chất lượng học tập, triển khai các chỉ thị, nghị quyết và những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Đẩy mạnh tuyên truyền qua hình thức nêu gương; xây dựng, biểu dương và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa trong cộng đồng. Tiếp tục tham mưu biện pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng Đảng. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu. Lấy giáo dục, thuyết phục và nêu gương làm trọng tâm trong tổ chức thực hiện công tác tư tưởng. 

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên để nâng cao tính chiến đấu trong công tác tư tưởng của Đảng. 

Coi trọng cán bộ làm công tác tuyên giáo, đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của đội ngũ Báo cáo viên, cộng tác viên DLXH để thường xuyên nắm bắt dư luận, cung cấp thông tin chính thống và định hướng đúng đắn. Từ đó, tham mưu cho cấp ủy giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, nhạy cảm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Sau phần tham luận của đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đại hội kết thúc phần tham luận tại hội trường trong phiên làm việc buổi chiều ngày 21.

Sau đó, Đại hội tiến hành công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025. 

Kết quả, Đại hội đã bầu một lần, đủ số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII; 48 đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII với số phiếu tín nhiệm cao.

Tác giả bài viết: Theo Báo Ninh Bình