Cô giáo Phạm Thị Việt Hoa- người phụ nữ “Hai giỏi”

Vốn là người yêu thích môn sinh học, từng có ước mơ trở thành một bác sĩ nhưng cô giáo Phạm Thị Việt Hoa (trường THPT Lương Văn Tụy) không có cơ hội để thực hiện điều đó. Vì vậy việc cô đến với nghề sư phạm được coi như là một "duyên" nghề nghiệp để cô có thể truyền niềm đam mê ấy cho biết bao thế hệ trường Lương Văn Tụy, giúp các em trưởng thành.
Sinh năm 1971 tại xã Khánh Thiện (Yên Khánh), học xong THPT, vì một sơ xuất nhỏ của Hội đồng tuyển sinh Đại học ngày đó mà cô đã không thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ, cô quyết định dự thi vào Đại học Sư phạm I- Hà Nội và chọn ngành Sư phạm Sinh. Tâm sự về nghề, cô Hoa nhớ lại: Những năm tháng ở giảng đường đại học, các thầy cô đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi để sau này ra trường tôi có thể đảm đương tốt vai trò người thầy. Và từ chính những kinh nghiệm của bản thân, cô Hoa vẫn thường nhắc các học trò: Xuất phát điểm như thế nào không quan trọng mà quan trọng là trên hành trình của mỗi người đã thực hiện những gì để đạt được thành công. Thành công là quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết chính là sự trưởng thành. Muốn vậy, các em phải thực sự đam mê, tự tin và nỗ lực không ngừng để đi đến thành công.

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học cô có nguyện vọng xin về trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Nhưng hồi đó, định biên của trường đã đủ nên cô giáo Hoa được phân công về giảng dạy tại trường năng khiếu huyện Hoa Lư, sau này cô chuyển về trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình). Năm 2001, cô xin chuyển về công tác tại trường THPT Lương Văn Tụy và gắn bó với mái trường này từ đó đến nay. Cô Hoa nhớ lại: Khi tôi làm đơn xin chuyển về trường THPT Lương Văn Tụy, thầy Nguyễn Anh Bảo, Hiệu trưởng nhà trường gặp rồi hỏi: Em có dạy được không? Tôi trả lời: "Em hứa với thầy là em dạy được". Và thật may mắn, thầy Bảo đã trao cho tôi cơ hội để tôi được thử sức và khẳng định mình trong môi trường mới....

Câu hỏi của thầy Hiệu trưởng đã như một thử thách nhưng cũng là một động lực để cô Hoa quyết tâm khẳng định mình. Cô kể: Ngày ấy, khi bước vào môi trường giảng dạy mới, tôi đã gặp nhiều khó khăn, đó là các chương trình dành cho học sinh THTP tôi chưa từng dạy, là những đồng nghiệp mới và ai cũng rất giỏi, rất sáng tạo, là những học trò thông minh nhưng cũng đầy cá tính... nếu tôi không sớm bắt nhịp thì sẽ không theo kịp đồng nghiệp, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy...Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình tôi cũng gặp nhiều trở ngại vì các con còn nhỏ, đứa lớn mới 5 tuổi, đứa bé vừa tròn 1 tuổi.

Trước những khó khăn, cô Hoa sắp xếp thời gian biểu cho mình một cách khoa học để vừa làm tròn trách nhiệm người mẹ, người vợ trong gia đình, vừa làm tròn trách nhiệm một người thầy trước các học sinh. "Hồi đó, tôi phải thức triền miên để nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu các bài giảng sao cho thực sự cuốn hút với học sinh. Có lẽ vì vậy, thức đêm đến bây giờ đã trở thành một thói quen khó bỏ..."- cô giáo Phạm Thị Việt Hoa tâm sự.

24 năm gắn bó với bục giảng, 16 năm gắn bó với trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cô Hoa đã từng bước khẳng định mình và trở thành một trong những giáo viên dạy Sinh giỏi được các thế hệ học sinh yêu mến, coi trọng. Sau 2 năm được nhận về giảng dạy tại trường THPT Lương Văn Tụy, cô giáo Hoa được nhà trường tín nhiệm cử đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cô đã đạt giải Nhất Hội thi năm đó. Từ năm 2005, cô được Ban Giám hiệu nhà trường giao trọng trách dạy chuyên sinh, đồng thời tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn sinh của nhà trường. Với 4 khóa chủ nhiệm học sinh chuyên sinh, cô giáo Phạm Thị Việt Hoa đã có 25 lượt học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia, trong đó 2 giải Nhì, 13 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Ngoài ra, có rất nhiều học trò của cô đã thi đỗ hoặc được tuyển thẳng vào các trường đại học thuộc tốp đầu như Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y...

Theo cô giáo Phạm Thị Việt Hoa, môn sinh, ngoài sự thông minh thì cần có sự cần cù, chăm chỉ và trí nhớ tốt. Bởi không đơn thuần chỉ là giải một bài toán với những công thức mà ở đó cần ngôn ngữ diễn đạt. Muốn vậy, học sinh phải thực sự chăm chỉ, thường xuyên rèn luyện để thấm và ngấm các kiến thức của bộ môn. Để phát hiện ra học sinh giỏi thì kết quả tuyển sinh đầu vào chưa phản ánh nhiều về năng lực, mà trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần sử dụng kỹ năng nghề nghiệp để phát hiện ra những nhân tố điển hình và bồi dưỡng học sinh đó. Khi đã phát hiện học sinh thực sự có năng lực thì cần phải xem xét xem học trò đó có chăm chỉ không, nếu chưa chăm chỉ thì cần phải động viên kịp thời. Đa phần học sinh khi mới được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia thì đều rất thích và muốn trinh phục đỉnh cao nhưng lại có chung một tâm lý là không tự tin vào chính năng lực của mình. Những lúc đó, tôi thường nói với các em rằng "Hãy tin lời cô, em sẽ làm được".

Nghiêm khắc, kỷ luật và tận tâm đó là nhận xét của nhiều học trò và đồng nghiệp khi nói về cô giáo Hoa. Nhưng sau mỗi giờ lên lớp, cô lại trở thành người bạn lớn với học trò. Sự quan tâm và động viên kịp thời của cô đã trở thành động lực cho nhiều em vượt qua khó khăn để đi đến thành công. Đó cũng chính là cái tâm của một người thầy có tầm.
         
Trong gia đình, cô giáo Hoa cũng luôn có sự sắp xếp khoa học, dành thời gian chăm sóc chồng, con và luôn hướng các con tới lối sống đẹp, biết kính trên, nhường dưới. Noi theo gương của bố mẹ, các con của cô đã không ngừng nỗ lực, rèn luyện vươn lên trở thành những học sinh xuất sắc. Hiện cậu con trai lớn của cô đang là sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Xây dựng, còn cô con gái út hiện đang là học sinh lớp 12 chuyên Anh- trường THPT chuyên Lương Văn Tụy.

 Với những thành tích trên, nhiều năm liền cô giáo Phạm Thị Việt Hoa vinh dự được Ban Giám hiệu nhà trường xếp loại Chiến sĩ thi đua Cơ sở, được BCH Công đoàn tặng danh hiệu "Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà". Đặc biệt, mới đây cô vinh dự là 1 trong 4 cá nhân của tỉnh được đi dự Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc, năm 2017.

Tác giả bài viết: Mai Lan