Chống rác thải nhựa cần có những sản phẩm thay thế

Khoảng vài chục năm gần đây các sản phẩm làm từ nhựa đã được người tiêu dùng lựa chọn do những tiện ích mà chúng đem lại như giá rẻ, dễ sử dụng, bảo quản… Cũng chính vì vậy mà đồ nhựa đã xuất hiện ở mọi nơi: trên bàn ăn, bàn làm việc, trong bếp, ngoài chợ, trên đường phố... ở Việt Nam, có thể dễ nhận thấy những đồ dùng vật dụng như rổ rá, bàn ghế, túi đựng, chai lọ trước đây được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường như tre nứa, cây cỏ, đất nung lâu nay đã được thay thế bằng sản phẩm nhựa. Bẵng đi thời gian mải mê với những tiện ích của nhựa, gần đây con người mới bừng tỉnh vì những tác hại do sản phẩm nhựa gây ra với đời sống và môi trường.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Yên Mô tặng làn nhựa cho hội viên phụ nữ xã Khánh Dương, huyện Yên Mô
Theo tài liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi phút trôi qua, thế giới lại có thêm một triệu chai nước uống bằng nhựa được tiêu thụ; mỗi năm con người thải ra môi trường một nghìn tỷ chiếc túi ni-lông. Tại Việt Nam, theo các nghiên cứu, mỗi năm ước tính thải ra môi trường 2,5 triệu tấn rác thải nhựa và trở thành quốc gia đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra biển. Qua các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy rất nhiều bãi biển, vùng đảo, khu dân cư của chúng ta đang bị đe dọa bởi nạn rác thải nhựa…
Để giải quyết tình trạng này, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến vấn đề quản lý chất thải nhựa và túi ni-lông. Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy đến năm 2020; ngày 7/5/2018 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều giải pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, hạn chế, tiến tới loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong đời sống hàng ngày của người dân.

Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm chống rác thải nhựa thông qua các chiến dịch nói không với nước lọc đóng chai nhựa trong hội nghị; tổ chức các đợt tổng vệ sinh thu gom rác thải tại các bãi biển, khu dân cư; kêu gọi người dân sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên thay thế cho đồ dùng bằng nhựa…
Tại Ninh Bình, thời gian gần đây cuộc chiến với rác thải nhựa cũng đã được khuấy động với sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và bước đầu thu được kết quả khả quan. Ngoài hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức cho hội viên, các đoàn thể còn có những việc làm cụ thể nhằm từng bước thay đổi hành vi cho cộng đồng.

Cụ thể, Hội LHPN tỉnh có hoạt động tặng làn, túi xách cho hội viên đi chợ thay cho túi ni-lông sử dụng một lần. Hội Nông dân tỉnh vận động các cửa hàng nông sản sạch sử dụng bao giấy, lá chuối, lá dong gói thực phẩm cho khách. Đoàn thanh niên đi đầu trong các chiến dịch thu gom rác thải…

Tuy nhiên, so với tính cấp bách của vấn đề, dường như các hoạt động trên chưa đủ mạnh, đủ rộng. Vẫn biết cuộc chiến chống rác thải nhựa không phải của riêng Việt Nam và cũng không thể làm trong thời gian ngắn, nhưng nó rất cần sự đồng lòng, đồng sức và đồng bộ trong giải pháp của tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người về tác hại của rác thải nhựa; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có giải pháp thu gom, tái chế rác thải nhựa, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho đồ nhựa dùng một lần như chai lọ, túi ni-lông.

Thực tế cho thấy, tại các chợ truyền thống hầu như vẫn vắng bóng túi đựng đồ, bao gói thân thiện với môi trường. Nhiều người nội trợ khi được hỏi cho biết, dù họ không muốn dùng túi ni-lông khi đi chợ nhưng tại chợ lại không có sẵn các sản phẩm khác để thay thế. Điều đó có nghĩa là ta đang thiếu đồng bộ để thực hiện nói không với túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần.

Thiết nghĩ, Ninh Bình là tỉnh có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như chế biến cói, bẹ chuối, bèo tây xuất khẩu, lại có nhiều nguyên liệu có thể dùng để chế biến thành các bao gói đồ như lá sen, lá chuối, lá dong… Nếu nhà nước có cơ chế khuyến khích và các doanh nghiệp chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ tập trung nghiên cứu nhu cầu thị trường thì sẽ có thể sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế cho đồ nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần như túi ni-lông. Khi đó lợi ích thu được sẽ rất lớn, nó vừa góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sống, vừa giải quyết được việc làm cho lao động vùng nông thôn.  

Tác giả bài viết: Đức Huy