Bác sĩ Nguyễn Thị Mai - Người phụ nữ “Hai giỏi”

Mạnh mẽ, quyết đoán trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, song cũng rất mềm dẻo, hài hòa trong xử lý các tình huống sinh hoạt thường ngày... là những gì chúng tôi cảm nhận khi trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Quyền Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn - Người được mệnh danh là phụ nữ “Hai giỏi”.
Câu chuyện về nghề giữa chúng tôi và bác sĩ Nguyễn Thị Mai được mở đầu bằng ký ức của chị cách đây 10 năm về trước. Chị Mai chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, tôi đã gặp  trường hợp một cháu bé được bố mẹ đưa đến Trạm trong tình trạng hôn mê li bì do mất nước vì bệnh tiêu chảy. Hồi đó, tôi chỉ ý thức được cần phải lấy ven để cắm chai truyền dịch rồi nhanh chóng chuyển đến tuyến trên vì khả năng của chính mình cũng như điều kiện cụ thể ở Trạm không thể cứu cháu bé được. Do được sơ cứu kịp thời và chuyển đi nhanh chóng nên cháu bé đã được cứu sống. Sau này các bác sĩ ở tuyến trên có lời khen ngợi tôi. Nhưng, nhận lời khen ngợi của đồng nghiệp tôi cũng nhận ra rằng, nếu như tôi có trình độ chuyên môn cao hơn, điều kiện máy móc ở Trạm tốt hơn, cháu bé ấy sẽ không phải chuyển đi tuyến trên. Và tôi đã nung nấu một quyết tâm phải nỗ lực phấn đấu để được đi học cao hơn. Năm 2005, được sự đồng ý của cấp trên, tôi đã đi thi và học chuyên tu bác sĩ.

Hồi ấy, với chị Mai trở thành bác sỹ là một mơ ước và nó như một thách thức mà chị cần phải vượt qua. Bởi, việc đi học chuyên tu là cả một quá trình gian nan, thử thách khi điều kiện hoàn cảnh chung - riêng đều bất lợi cho chị. Cuộc hôn nhân đầu tiên bị đổ vỡ, mình chị nuôi cô con gái đầu lòng mới 5 tuổi, đồng lương ít ỏi nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vượt qua những khó khăn về vật chất, tinh thần, sau 4 năm học tập chị đã hoàn thành chương trình đào tạo, trở thành bác sĩ đa khoa. Chị từng có cơ hội được chuyển lên tuyến trên công tác, song với mong muốn được giúp đỡ nhiều hơn cho những người thân, nhân dân nơi quê hương mình nên khi hoàn thiện chương trình bác sĩ, chị vẫn lựa chọn quê hương công tác.

Trong quá trình công tác và rèn luyện chị luôn thực hiện lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, được đồng nghiệp tin yêu, bệnh nhân quý trọng. Là cán bộ lãnh đạo, chị Mai luôn suy nghĩ làm thế nào để không phụ lòng tin của đồng nghiệp và tạo được sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ của mình nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Muốn vậy, trước hết mình phải là người gương mẫu về mọi mặt. Vì thế là một bác sỹ, lại là Trạm trưởng nhưng chị không nề hà làm tất cả các công việc của người hộ lý, y tá, chăm sóc bệnh nhân như người ruột thịt của mình, cảm thông chia sẻ, làm vơi đi bao nỗi đau của nhiều người bệnh. Bên cạnh đó, công tác tại địa bàn rộng, lại gần khu du lịch tâm linh Bái Đính nên công tác sơ, cấp cứu cho khách du lịch cũng là vấn đề quan trọng, đòi hỏi anh chị em trong Trạm phải hết sức nỗ lực. Ngoài công việc trực ở Trạm, khi nhận tin có người ốm, cho dù là trong đêm khuya hay mưa to gió lớn, chị cũng không ngần ngại đến ngay gia đình người bệnh để khám.

Chị Mai cho biết: Ngày trước, khi hệ thống loa truyền thanh chưa được phủ khắp, mỗi khi có đợt tiêm chủng hay chiến dịch kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị cùng cán bộ y tế của Trạm, y tế thôn bản rất vất vả đến từng gia đình có trẻ nhỏ để tiêm phòng, hướng dẫn người dân cách ăn ở sạch, cách phòng tránh thai, cách chăm sóc sức khỏe cho người già…Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác, nhận thức của nười dân đã được nâng cao, đời sống ngày càng phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đã bớt khó khăn. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, chị Mai luôn trăn trở và yêu cầu các cán bộ, nhân viên trong Trạm không được tự bằng lòng với năng lực hiện tại mà phải luôn luôn rèn luyện, nỗ lực học hỏi. Chị Mai ấp ủ dự định: Thời gian tới, khi Trạm y tế Gia Sinh được chuyển địa điểm mới sẽ được trang bị những trang thiết bị hiện đại. Khi ấy, Trạm có điều kiện để mời các bác sĩ tuyến trên trực tiếp về khám, chữa bệnh cho nhân dân. Việc làm này vừa tạo điều kiện cho nhân dân không phải đi tuyến trên, giảm gánh nặng về kinh tế, vừa tạo điều kiện để các y, bác sĩ của Trạm có cơ hội được tiếp cận với những kỹ thuật cao, hiện đại. Và mong muốn xa hơn, là tất cả những người dân trong xã đều được lập một hồ sơ quản lý sức khỏe để hướng tới việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, thông suốt.

Nói về gia đình, chị Mai tâm sự: Cuộc hôn nhân đầu bị đổ vỡ đã khiến chị như con chim sợ cành cong và không dám đến với ai nữa. Phải đến 10 năm sau khi ly hôn, gặp người chồng hiện tại, anh là người mất vợ và gà trống nuôi 4 con thơ. "Nói thật, khi ấy đến nhắm mắt tôi cũng không nghĩ được mình sẽ gắn bó cuộc đời còn lại với người đàn ông này"- Chị Mai nói. Nhưng, nhìn anh, nhìn những đứa trẻ ngây ngô, tình thương, sự bao dung của người mẹ đã khiến một người không dám đứng lên sau đổ vỡ lại chấp nhận để làm vợ, làm mẹ của 5 đứa con (4 con riêng của chồng và 1 con riêng của chị).

Cuộc sống gia đình của bác sĩ Nguyễn Thị Mai như chuyện cổ tích. Giờ đây, bằng nghị lực của bản thân chị đã vượt lên tất cả, xây dựng được mái ấm gia đình với kinh tế ổn định, các con chăm chỉ học hành và đều thành đạt. Vợ chồng bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Các con riêng của chồng đều tôn trọng, tin tưởng và gọi chị bằng mẹ. Sự tin tưởng của đồng nghiệp, của nhân dân, sự ủng hộ của người thân là nguồn động lực, sức mạnh vô cùng lớn lao để chị viết tiếp những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
 
                                                                                        

Nguồn tin: Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh