Vườn rau gắn kết

Ở khu tập thể nơi tôi sống, có một khoảng đất rộng bị bỏ hoang, mọi người trong khu chẳng ai bảo ai, đều nghĩ đến việc tận dụng chỗ đất này để trồng rau sạch. Mẹ tôi cũng vậy. Mới sáng sớm đã thấy mẹ cắp rổ ra vườn, đến chiều tối mịt vẫn quần xắn đến gối, xách nước tưới rau, chân tay lấm đầy bùn đất.

Thấy mẹ mất quá nhiều thời gian vào vườn rau, kì thực trong lòng tôi luôn lo lắng, mẹ ngoài 70 tuổi mà cứ xách 2 xô nước đi tới đi lui từ nhà ra chỗ trồng rau, đất đá mấp mô lỡ ngã thì khổ. Vậy mà nói thế nào mẹ cũng không nghe, cứ nhất quyết trồng hết loại rau này đến loại rau khác.

Thấm thoát gần chục năm, cả nhà được ăn rau sạch mẹ trồng. Chẳng biết từ bao giờ tôi đã thấy yêu vườn rau của mẹ, tự hào giới thiệu với mọi người “đặc sản” rau mẹ trồng. Nhìn gương mặt rạng rõ, hạnh phúc của mẹ khi mang về bao nhiêu là rau, tôi còn thấm thía một điều, hình như rất hiếm khi mình tạo được cho mẹ niềm vui như thế. Vậy sao, tôi lại cứ càu nhàu, cáu kỉnh về công việc mẹ làm?

Còn một nguyên nhân sâu xa nhưng hữu hình mà mãi tôi mới nhận ra, đó là ở ngoài vườn rau rất vui. Các ông, bà đều tầm tuổi mẹ tôi hoặc trẻ hơn một chút, tất cả chung một đặc điểm là đã nghỉ hưu, con cháu đều đi học, đi làm, nếu phải ngồi không trong nhà thì thật buồn chán. Có vườn rau để đi ra đi vào chăm sóc không chỉ tạo cảm giác bận rộn, hữu ích mà còn được gặp gỡ, trò chuyện với nhau.

Vườn rau đã gắn kết tình cảm của mọi người với nhau. Ở cái thời, nhà ai cũng cửa đóng then cài, sự thờ ơ, lạnh nhạt lên ngôi, hàng xóm láng giềng chỉ biết nhau qua vài ba lời chào hỏi xã giao thì những hình ảnh gần gũi, thân thiết ấy mang lại cho ta cảm giác ấm áp, ngọt ngào quá đỗi.

Tác giả bài viết: Khánh Ly (ST)