Một số nội dung của Luật Trẻ em năm 2016

Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 11 khóa XIII, ngày 05/4/2016, có hiệu lực ngày 01/6/2017, thay thế Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Luật Trẻ em quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi chứ không phải là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi như luật BVCS và GDTE. Như vậy, đối tượng áp dụng của luật đã được mở rộng, không chỉ trẻ em là công dân Việt Nam mà còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
Tuần 2: Thống nhất cách hiểu các khái niệm trong Luật Trẻ em (Tiếp)

- Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

- Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

- Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

- Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

- Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là việc xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Tác giả bài viết: Ban Gia đình - xã hội