Bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam trong đó đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đã và đang có đóng góp to lớn trên các lĩnh vực và từng vị trí công tác. Nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò của phụ nữ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, chăm lo, tạo điều kiện để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời đã khẳng định rõ việc xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.

Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng các quy định về bình đẳng giới giữa nam và nữ về điều kiện, tiêu chuẩn, độ tuổi khi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm vẫn chưa làm giảm sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, thể hiện rõ nét qua tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân, nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Do vậy việc xây dựng Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020 nhằm giảm sự chênh lệch về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực giữa nữ cán bộ, công chức, viên chức so với nam cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng tại cơ quan, tổ chức của nhà nước; đồng thời góp phần xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ưu tiên lựa chọn nữ trong quy hoạch

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đưa ra giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới; tăng cường công tác quy hoạch, tạo nguồn nữ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm mục tiêu về bình đẳng giới; bảo đảm bình đẳng giới trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.

Trong đó, Đề án nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng quy định, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ ở cùng chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, trừ những công việc quy định phụ nữ không được làm. Thực hiện kiện toàn, sắp xếp, bổ nhiệm các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm tỷ lệ nữ nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; ưu tiên lựa chọn nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và trong quy hoạch chức vụ, chức danh đó...

Nguồn tin: VPCP