Hướng dẫn về việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Căn cứ Kế hoạch số 19/KH-ĐCT ngày 05/02/2016 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam hướng dẫn tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh hướng dẫn tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đối với các cấp Hội LHPN trong tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:
- Triển khai các hoạt động tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc trách nhiệm của Hội LHPN các cấp theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các văn bản phân công nhiệm vụ trong các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp Hội trong việc tổ chức các hoạt động để thực hiện tốt chức năng đại diện của tổ chức Hội theo Điều lệ Hội.
2. Yêu cầu:
Các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG THAM GIA BẦU CỬ

1. Nghiên cứu, phổ biến, quán triệt các văn bản về bầu cử và cụ thể hóa Kế hoạch hướng dẫn tham gia bầu cử của Hội cấp trên
Các cấp Hội tổ chức nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bầu cử của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các văn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương để phổ biến, quán triệt trong cán bộ, hội viên; cụ thể hóa các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để triển khai trong các cấp Hội.

2. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên trong tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử (Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử)
            - Thực hiện có hiệu quả vai trò, trách nhiệm thành viên trong tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử được quy định theo Luật bầu cử đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân (Điều 23 đối với Ủy ban bầu cử; Điều 24 đối với Ban Bầu cử; Điều 25 đối với Tổ Bầu cử).
            - Nắm vững lịch hiệp thương và nhiệm vụ của tổ chức phụ trách bầu cử.
- Tích cực, chủ động tham gia có chất lượng, hiệu quả các kỳ hiệp thương; kịp thời thông tin về số lượng, cơ cấu, danh sách đại biểu nữ ứng cử ngay sau các lần hội nghị hiệp thương, báo cáo với Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên trực tiếp.
- Tham gia kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo quy định.

3. Chủ động tham mưu, giới thiệu, đề xuất phụ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định tại  Điều 8 và Điều 9 Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp
- Tiến hành rà soát, phát hiện nguồn nhân sự nữ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để có cơ sở đề xuất nhân sự trong quá trình hiệp thương.
- Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp đề xuất với cấp ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về số lượng và danh sách người ứng cử là phụ nữ ở từng huyện, thành phố (đối với cấp tỉnh), xã, phường, thị trấn (đối với cấp huyện) đảm bảo cơ cấu nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời báo cáo Hội LHPN cấp trên trước Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, ngày 17/02/2016 (nội dung này Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể tại Công văn số 89-CV/ĐĐ ngày 04/02/2016).

 4. Tổ chức tuyên truyền về cuộc bầu cử
- Chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở tổ chức sinh hoạt hội viên theo tài liệu do Hội LHPN tỉnh phát hành. Lồng ghép tổ chức tuyên truyền tại các cuộc sinh hoạt chi/tổ phụ nữ.
- Phối hợp, chủ động cung cấp thông tin cho Ủy ban bầu cử/Ban bầu cử, Ban Tuyên giáo cấp uỷ cùng cấp đề nghị chỉ đạo công tác tuyên truyền đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trong bầu cử.
- Vận động hội viên, phụ nữ trực tiếp đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; cung cấp cho hội viên, phụ nữ các thông tin liên quan đến bầu cử (thông tin về danh sách ứng cử viên, số lượng đại biểu được bầu; ngày giờ, địa điểm bỏ phiếu, các nguyên tắc cần nhớ khi đi bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử trước khi bỏ phiếu; các tiêu chí để lựa chọn người đại biểu xứng đáng (có thể tham khảo trong tiểu sử của ứng cử viên dán tại đơn vị bầu cử trong tuần đầu tháng 5 năm 2016).
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương, viết tin/bài và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới; vai trò, vị trí, những đóng góp của phụ nữ trong xã hội; lợi ích khi phụ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nêu gương các điển hình phụ nữ là đại biểu Quốc hội/Hội đồng nhân dân đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu ở địa phương.
- Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại trụ sở cơ quan chuyên trách Hội; phối hợp với cơ quan ban ngành địa phương thực hiện ở thôn, xóm, phố, các trục đường xung quanh nơi diễn ra bầu cử… Đề xuất, tham mưu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn khi làm khẩu hiệu tuyên truyền bầu cử cần có nội dung liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới.

5. Hỗ trợ nữ ứng cử viên trước và trong kỳ bầu cử
- Chủ động đề xuất kinh phí với Ủy ban nhân dân, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp hỗ trợ tổ chức tập huấn cho các nữ ứng cử viên, ưu tiên các nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử; mời các nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu đến chia sẻ kinh nghiệm (thời gian tổ chức trong tháng 2 và tháng 3 năm 2016).
- Tích cực giới thiệu chương trình đào tạo trực tuyến Sẵn sàng để thành công (địa chỉ website: www.sansangdethanhcong.com) tới các nữ ứng cử viên tiềm năng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương.
- Chủ động hỗ trợ nữ ứng cử viên trong thu thập thông tin, xây dựng chương trình hành động để trình bày trước cử tri.
- Phân công cán bộ Hội tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri để hỗ trợ, động viên nữ ứng cử viên (ngay sau khi có danh sách ứng cử viên chính thức ở vòng hiệp thương lần thứ 3).

6. Công tác kiểm tra và giám sát quá trình bầu cử
            Trước và trong quá trình hiệp thương, các cấp Hội cần chủ động kiểm tra đối với Hội LHPN cấp dưới trong việc thực hiện trách nhiệm của tổ chức Hội trong công tác bầu cử. Phối hợp với Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp kiểm tra, giám sát các khâu trong công tác bầu cử, tập trung việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện về công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử; việc đảm bảo tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; việc tổ chức bầu cử.
            Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bầu cử; kịp thời phát hiện, đề xuất với Ủy ban bầu cử các cấp những nội dung thực hiện chưa đúng pháp luật hoặc chưa đảm bảo để Hội tham gia đầy đủ quyền và trách nhiệm trong bầu cử.

7. Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong hệ thống Hội
Các cấp Hội báo cáo tình hình nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng như đánh giá sự tham gia của các cấp Hội ngay sau khi có kết quả bầu cử với Hội cấp trên, cụ thể: Hội LHPN tỉnh báo cáo chậm nhất ngày 06/6/2016, Hội LHPN cấp huyện và cơ sở báo cáo chậm nhất ngày 03/6/2016.

Căn cứ hướng dẫn này, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Hội LHPN cấp huyện tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra đối với Hội LHPN cấp cơ sở đảm bảo sự tham gia đầy đủ, đúng quy trình, chất lượng của các cấp Hội trong tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo cáo kịp thời về Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh (qua Ban Chính sách-Luật pháp, điện thoại: 030.3891993).
 
 
Nơi nhận:
- Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPNVN;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Ban Dân vận Tỉnh uỷ;
- Ủy ban bầu cử tỉnh;
- Ban Thường trực UBTWMTTQVN tỉnh;
- Các Ban chuyên môn Hội LHPN tỉnh;
- BTV Hội LHPN các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, CSLP.
 
 
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH

(đã ký)
 
 
 
Nguyễn Thị Tỉnh