Phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội

Chiếm 50,2% tổng dân số của toàn tỉnh, phụ nữ Ninh Bình là một trong những lực lượng lao động nòng cốt của tỉnh (chiếm 47,3% tổng số lực lượng lao động). Vì vậy, làm thế nào để khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Hội Phụ nữ các cấp tích cực hỗ trợ hội viên tham gia các hoạt động phát triển kinh tế.
Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống tốt đẹp, chủ động, sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình; nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để  khẳng định vai trò, khả năng,  sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt: có tri thức, có văn hóa, có kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vươn lên trước mọi khó khăn thử thách… 

Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người phụ nữ đã và đang thực hiện hài hòa hai vai: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa chăm lo hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ hiện đại đã biết tổ chức cuộc sống và gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình; biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình và bản thân phát triển hơn và hạnh phúc hơn. 

Cũng chính nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo mà phụ nữ có thể làm tốt hơn những thiên chức của mình như nuôi dưỡng, giáo dục con cái, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau.

Với  những chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Phụ nữ Ninh Bình ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.  

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân nữ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và bộ máy lãnh đạo, quản lý tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025: cấp xã đạt 25,7% (tăng  5,68%);  cấp huyện đạt 26,8% (tăng 6,98%); cấp tỉnh đạt  16,6% (tăng  0,91%). Nhiệm kỳ 2021-2026: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 50% (tăng 33,3%); nữ  đại  biểu HĐND: cấp xã đạt 28,45% (tăng 3,45%); cấp huyện đạt 30,77% (tăng 0,27%); cấp tỉnh đạt 24% (tăng 4%).

Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn những hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm trong xã hội, kể cả nam giới và nữ giới. Không chỉ có một bộ phận nam giới chưa nhận thức đúng đắn hoặc có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng hiểu biết mơ hồ, từ đó có những thái độ lệch lạc và không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình. 

Nhiều phụ nữ ở nông thôn chỉ tập trung lao động và vun vén cho cuộc sống của mình, ở đây còn tồn tại những quan điểm cổ hủ về bất bình đẳng giới "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Điều này hạn chế sự phát triển của phụ nữ, họ không tự tin để gánh vác công việc của xã hội hay phát triển kinh tế. Vấn đề bạo lực gia đình vẫn đang diễn ra, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi cũng là một trong những yếu tố cản trở sự phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống.

Để phát huy vai trò của phụ nữ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội cần hệ thống các giải pháp để tạo bước chuyển cơ bản, bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ, vấn đề bình đẳng giới cũng như triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ. 

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về  bình đẳng giới, đặc biệt chú trọng đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; làm tốt việc tuyên truyền chống các hiện tượng kỳ thị, coi thường, bạo lực, thiếu tôn trọng phụ nữ. Để phụ nữ tự tin phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội thì trước tiên người phụ nữ cũng cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của mình, nhất là những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa luôn cho rằng mình là phái yếu không thể gánh vác các công việc của gia đình, xã hội.

Thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, tọa đàm, các chương trình tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội, giúp mọi người dân hiểu rõ được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin để phụ nữ cống hiến cho xã hội; tổ chức các giải thưởng, khen thưởng cho những phụ nữ ưu tú trong thực hiện công tác xã hội, phát triển kinh tế. Việc tuyên dương sẽ góp phần to lớn cổ vũ tinh thần, sự tự tin của người phụ nữ trong xã hội, từ đó dám nghĩ, dám làm và thấy được vai trò của mình đủ sức gánh vác và thực hiện tốt những công việc như nam giới trong xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ được tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật; giúp đỡ phụ nữ học tập, công tác và tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa. Huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị để phát huy ngày càng rõ nét vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội…

Tác giả bài viết: Bùi Quang