Lưu Phương, tăng cường công tác vệ sinh môi trường

Trước kia, nhiều người dân ở xã Lưu Phương (Kim Sơn) vẫn có thói quen xả rác bừa bãi; thả rông gia súc, động vật nuôi và chất thải của các động vật này vẫn còn ở ngoài đường, trong các khu vực công cộng; chất thải chăn nuôi dù đã được xử lý nhưng vẫn không triệt để, cùng với hệ thống nhà tự hoại, nước thải sinh hoạt cũng chảy theo ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Trong khi đó, rác thải sau khi thu gom chưa được phân loại tại nguồn, các loại rác thải là vỏ lọ, hóa chất thuốc bảo vệ thực vật chưa có cách xử lý triệt để... Đây là thách thức không nhỏ của Lưu Phương trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Song, với quyết tâm cao trong cải thiện vệ sinh môi trường, bảo đảm cho phát triển bền vững, xã Lưu Phương đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và triển khai đồng bộ. Do vậy xã đã hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường và sớm cán đích nông thôn mới vào năm 2017. Đây cũng là địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường ở huyện Kim Sơn.

Giải pháp được xem là tiên quyết trong bảo vệ môi trường luôn được Đảng ủy, UBND xã Lưu Phương coi trọng, thực hiện xuyên suốt đó là tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, từ đó thay đổi thái độ ứng xử của mình trước những hành vi vi phạm, chung tay bảo vệ môi trường sống. 

Công tác tuyên truyền được các tổ chức Hội, đoàn thể lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, hội thảo, văn nghệ, tham gia đảm nhận các đoạn đường tự quản; duy trì thường xuyên việc thu gom rác thải trong khu dân cư; tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường vào ngày 27 hàng tháng. Ngoài ra, để bảo đảm chăn nuôi, trồng trọt phát triển bền vững, Lưu Phương chú trọng tuyên truyền người dân tuân thủ các quy trình xả thải, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện quy trình chăm sóc, bảo vệ hoa màu, nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, Lưu Phương chú trọng việc kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời nhắc nhở cũng như xử phạt những vi phạm. Chỉ tính riêng trong năm 2018, xã đã tiến hành kiểm tra 12 hộ sản xuất thực phẩm, chăn nuôi..., qua kiểm tra đã nhắc nhở 2 cơ sở và xử phạt hành chính 1 cơ sở vi phạm xả thải trong chăn nuôi.

Do lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã tăng lên từng ngày, gây khó khăn về địa điểm tập kết (năm 2012 lượng rác thải sinh hoạt thu gom xử lý là 112,5 tạ/tháng thì đến nay con số này đã lên 650 tạ/ tháng). Để giải quyết vấn đề này, năm 2018, Lưu Phương đã đầu tư xây dựng điểm tập kết tại xóm 5a, với diện tích 225m2. 

Bên cạnh đó, xã thành lập tổ thu gom rác thải của địa phương, ban đầu chỉ 4 người, chịu trách nhiệm thu gom rác thải ở 2 xóm thì nay đã lên 12 người, thực hiện gom rác thải ở 10/14 xóm. Đây cũng là một trong những xã sớm hình thành tổ thu gom rác thải của huyện Kim Sơn. Đối với khu vực xa trung tâm chưa có đội thu gom rác, xã vận động các hộ dân ở khu vực này xây dựng bể chứa rác 2 ngăn: 1 ngăn chứa các loại rác hữu cơ (vỏ rau, củ, quả, lá cây…); ngăn còn lại dùng để đựng rác vô cơ (túi nilon, chai lọ...).

Nhằm giúp các hộ xây bể chứa rác 2 ngăn, xã hỗ trợ một phần xi măng, Hội Phụ nữ xã giúp 100 viên gạch/hộ. Do vậy, đến nay xã Lưu Phương có 16 hộ ở xóm 12, xóm 13 thực hiện xây bể chứa rác 2 ngăn. Việc làm này không chỉ giúp các hộ thuận tiện trong việc phân loại rác để tiêu hủy các loại rác vô cơ mà còn tận dụng các loại rác hữu cơ ủ thành phân, bón cho cây trồng.

Thực hiện Chương trình Nước sạch vệ sinh Môi trường, trong nhiều năm qua, Lưu Phương đã tích cực huy động các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch... Hiện số dư nợ của toàn xã đạt trên 4,5 tỷ đồng, giúp 398 hộ vay xây dựng công trình vệ sinh, khoan giếng, xây dựng bể chứa nước sinh hoạt.

 Nhờ vậy, số hộ dân dùng nước sạch ngày càng tăng. Hiện 100% hộ dân của xã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ nước sạch chiếm 73,4%; 92,83% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 88,2% hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi và biện pháp xử lý chất thải. Công tác vệ sinh môi trường được tăng cường, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

 

Tác giả bài viết: Mai Lan

Nguồn tin: Báo Ninh Bình