Lễ hội Hoa Lư: Dịp hành hương về nguồn cội

Tháng Ba, hoa xoan bung tím biếc, hoa gạo đỏ rợp trời ấy là lúc những người con Ninh Bình ở mọi miền đất nước thu xếp công việc để trở về quê trẩy hội. Dù xa, dù gần, ai cũng mong muốn được về với lễ hội Hoa Lư để được thắp nén tâm nhang, tỏ lòng tri ân công đức vị quân vương huyền thoại và cũng là dịp được đắm mình trong những hoạt động văn hóa đậm chất dân gian, truyền thống.
Du khách về dự Lễ hội Hoa Lư năm 2018.
Vẫn còn một tuần nữa mới tới ngày khai hội Hoa Lư, song không khí lễ hội đã len lỏi, ngập tràn khắp nơi trên địa bàn xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Niềm tự hào của mọi thế hệ người dân Trường Yên đó là có Khu di tích lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn. 

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trường Yên có nhiều phần việc thiết thực nhằm góp phần để lễ hội diễn ra thành công, vui tươi, lành mạnh. Bên cạnh việc trang trí, khánh tiết, treo cờ hoa đồng thời chuẩn bị chu đáo các tiết mục được phân công tham gia trong lễ hội thì xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử của lễ hội Cố đô Hoa Lư, UBND xã Trường Yên còn giao nhiệm vụ cho các tổ chức Hội như Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh… có những việc làm sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa để hướng về lễ hội. 

Theo đó, các tổ chức Hội phân công cán bộ đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền và phát động các phong trào như: vệ sinh môi trường, thắp sáng đường quê… Những phong trào này nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân. Các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm đã góp phần tạo môi trường sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi về trẩy hội.

 Đối với những người được phân công tham gia trực tiếp lễ hội thì đều tự giác, chủ động và tích cực tập luyện để chuẩn bị các tiết mục, phần việc được giao với ước muốn đóng góp vào thành công của lễ hội. Đặc biệt, bên cạnh tham gia thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động, mỗi người dân Trường Yên đều có ý thức gìn giữ hình ảnh thanh lịch của người Cố Đô thông qua những việc làm, lời nói, công việc… của chính mình.

Đối với một số gia đình ở xã Trường Yên, tháng Ba còn là dịp để họ chờ đón người thân ở phương xa trở về. Vừa là để đoàn viên gia đình, vừa là cùng nhau náo nức đi trẩy hội. 

Xa quê từ khi mới là chàng thanh niên hơn 20 tuổi đời, mang theo nhiều khát vọng “nam tiến” để lập nghiệp, đến nay, dù đã lên chức ông nội, ông ngoại song năm nào cũng vậy, mỗi khi quê hương mở hội Hoa Lư là ông Bùi Văn Vịnh đều sắp xếp thời gian để trở về quê dự hội. Năm nay, trong chuyến hành hương về nguồn cội này, ông Vịnh đưa thêm đứa cháu nội đi cùng. Chưa đến ngày khai hội, song những ngày này, ông Vịnh đều đặn dắt cháu đi ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp của quê hương, rồi kể cho cháu nghe câu chuyện về vị vua có công dẹp loạn 12 sứ quân. 

“Về quê đúng mùa lễ hội, với tôi là một dịp về nguồn thật ý nghĩa. Trong hành trình về nguồn này, ông cháu tôi còn dành thời gian để về xã Gia Phương (huyện Gia Viễn)- quê hương, mảnh đất lành đã sinh ra và nuôi chí lớn cho bậc quân vương huyền thoại Đinh Tiên Hoàng để được thắp nén tâm nhang tri ân công đức của Người và cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình với quê hương. Tôi cũng đã đến được Động Thung Lau và Thung Lá- khu di tích gắn với một thời trăn trâu nuôi chí lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng. Cháu nội tôi mới hơn 6 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu về những điều lớn lao của lịch sử, nhưng những câu chuyện ấy, những cảnh vật ấy thực sự đã lôi cuốn cậu bé”- Ông Vịnh nói vậy. 

Cũng theo ông Vịnh, thời ông còn nhỏ, lễ hội Hoa Lư có tên là hội Trường Yên chỉ được tổ chức với quy mô cấp làng, cấp xã, song với những người dân Trường Yên và các vùng lân cận thì đó là một hoạt động tâm linh được chờ đợi nhất trong năm. Thời ấy, nhân dân trong làng, trong xã, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, công việc nhà nông lấm lem, bận rộn, song cứ vào tháng Ba, khi làng mở hội thì ai cũng nghỉ việc làm đồng, lựa những bộ quần áo lành lặn nhất, đẹp nhất để dự hội. Tùy từng điều kiện của mỗi gia đình, song ai cũng muốn tự tay chuẩn bị những lễ phẩm để mang ra Đền tế Vua, thành tâm tri ân công đức và nguyện cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào.

 Ngày nay, quy mô lễ hội đã ở cấp tỉnh với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc tổ chức lễ hội được chuẩn bị công phu, hoành tráng, những lễ phẩm tiến vua cũng được chuẩn bị chu tất, đủ đầy và đẹp mắt… song trong mâm lễ phẩm, vẫn không thể thiếu những vật phẩm do nhà nông làm ra, hoặc những bình hoa, đĩa quả được trồng trong vườn nhà…

Chúng tôi đã gặp cụ Nguyễn Hữu Thỉnh khi cụ đang dạo bước trong khuôn viên của Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố Đô Hoa Lư. Quê cụ ở xã Ninh Thắng, song từ nhiều năm nay, cụ sống cùng con cháu ở thành phố Nam Định. Tuổi cao, sức khỏe đã kém đi nhiều, vì vậy cụ không thường xuyên về quê dự hội được. 

Năm nay, trước ngày khai hội tới nửa tháng, cụ đã bắt anh con trai cả đưa cụ về quê. Dù không sinh ra ở xã Trường Yên, song với cụ, Trường Yên hay Ninh Thắng cũng đều là con dân của mảnh đất Cố Đô lịch sử, mọi cảnh vật cũng thân thuộc, gần gũi. Chưa tới ngày khai hội, song cụ Thỉnh đã dành thời gian đi thăm quan để cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của quê hương mình. 

Với cụ, về với lễ hội là dịp người con quê hương được trở về với cội nguồn. Bao nhiêu năm rồi, từ khi tóc còn xanh, đến nay mái tóc đã bạc màu, bước chân cũng không còn vững… vậy mà mỗi lần về với lễ hội, cái cảm giác háo hức, linh thiêng thì vẫn còn vẹn nguyên. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9/3 âm lịch, quê hương Ninh Bình lại khai hội Hoa Lư để nhân dân được tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân và cũng là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ, nhất là con cháu vùng đất Cố Đô, để đồng lòng hợp sức viết tiếp trang sử vẻ vang, tạo ra những thành tựu mới trong cuộc sống hôm nay.

Tác giả bài viết: Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn tin: Báo Ninh Bình