Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những chương trình được các cấp Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở triển khai có hiệu quả, qua đó giúp phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
Để xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của chị em phụ nữ, Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Công tác tuyên truyền được chú trọng dưới nhiều hình thức, trong đó tập trung thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, các cấp Hội đã tập trung thực hiện có hiệu quả các tiêu chí “Không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có người sinh con thứ ba, không có trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học” và “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Đối với việc chăm lo tổ ấm gia đình, các cấp Hội chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn, hòa giải về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, cung cấp những kiến thức cơ bản như tâm lý từng lứa tuổi, chăm sóc bà mẹ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, kỹ năng sống… Qua đó, chị em đã có thêm nhiều kiến thức trong việc giáo dục, nuôi dạy con, góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em và hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức, pháp luật, mắc tệ nạn xã hội ở trẻ vị thành niên.

Đối với việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, các cấp Hội Phụ nữ xác định phải từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên và gia đình hội viên. Theo đó, Hội tập trung giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như: Tổ chức chuyển giao KHKT; trao đổi kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện về vốn để chị em phát triển kinh tế; huy động các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ quay vòng, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh và vốn tiết kiệm tại chi hội để chị em có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, các cấp Hội đã nhận ủy thác 125 tỷ đồng từ các Ngân hàng, thành lập mới 21 tổ liên kết vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 5 xã, đưa tổng dư nợ hiện nay là 2.574 tỷ đồng, giúp 84.039 lượt người vay, trong đó có 14.052 lượt phụ nữ nghèo. Cùng với đó, các cấp Hội tập trung phối hợp ngành chức năng tổ chức chuyển giao KHKT, dạy nghề, giới thiệu việc làm, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con mới có giá trị kinh tế cao; tham gia các mô hình kinh tế tập thể sản xuất ứng dụng công nghệ cao. 

Năm 2018, Hội LHPN các cấp phối hợp tổ chức 601 buổi chuyển giao KHKT, hỗ trợ cho vay vốn 650 triệu đồng, tư vấn, hỗ trợ giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên tham gia các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX; phối hợp tổ chức 24 lớp dạy nghề đan cói, bèo, đan nhựa trên khung sắt cho 814 học viên; giới thiệu tạo việc làm cho 3.643 phụ nữ... Có vốn, có kiến thức, nhiều phụ nữ đã dần loại bỏ cách thức canh tác, sản xuất lạc hậu, tích cực ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất, chủ động xây dựng mô hình kinh tế gia đình gắn với định hướng “Mỗi địa phương một sản phẩm” và nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo (trong năm đã giúp 185 phụ nữ nghèo đứng chủ thoát nghèo), làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Đặc biệt, thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”, Kế hoạch số 98 ngày 12/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở lồng ghép hoạt động khởi sự kinh doanh vào chương trình hành động của Hội. Trong đó, tập trung hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hướng đến tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ. Năm 2018, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn cho trên 400 nữ chủ tổ hợp, nữ tiểu thương, nữ bán hàng tại các khu, điểm du lịch về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa và hướng dẫn thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, vận động thành lập các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trong năm, các cấp Hội trong tỉnh đã giúp 167 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp hiệu quả. Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức tư vấn và thành lập 2 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác, 15 tổ liên kết sản xuất tại 8 huyện, thành phố. Phối hợp với Công ty Nestle, Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình tổ chức 30 hội nghị truyền thông, hướng dẫn cách bán hàng và hỗ trợ tiền vốn ban đầu, tủ bán hàng, các sản phẩm khuyến mại... cho 120 phụ nữ khởi sự kinh doanh tại 45 xã thuộc huyện Kim Sơn, Yên Khánh và Nho Quan. Các hoạt động này đã góp phần trang bị kiến thức, kinh nghiệm, bồi đắp ý tưởng kinh doanh, định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ có khả năng, điều kiện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ giúp họ nâng cao mức sống, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình, xã hội mà còn khẳng định đây là một trong những cách làm hiệu quả của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh, thu hút đông đảo chị em, phụ nữ tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tác giả bài viết: Mai Lan

Nguồn tin: Báo Ninh Bình