Hiệu quả từ “Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ”

Nhiều năm qua, từ nguồn “Quỹ quay vòng hỗ trợ Phụ nữ tỉnh Ninh Bình” đã có nhiều phụ nữ được tạo điều kiện vốn vay phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Cũng từ nguồn Quỹ, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn.
Hội viên phụ nữ tham gia vệ sinh môi trường tại khu dân cư.
Năm 2018, Ban quản lý (BQL) Quỹ tỉnh phối hợp với Hội Phụ nữ 7 huyện, thành phố khảo sát, giải ngân cho các hộ vay vốn tại 44 xã. BQL các xã tích cực tuyên truyền về các hoạt động của Quỹ; hỗ trợ thành viên vay vốn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp phát triển kinh tế gia đình và sử dụng đồng vốn có hiệu quả; phối hợp chuyển giao KHKT, dạy nghề, tạo việc làm, hướng dẫn xây dựng và tham gia các mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh...

Quá trình triển khai, BQL Quỹ tỉnh chỉ đạo Hội LHPN huyện Yên Mô, Yên Khánh tiếp tục duy trì và phát triển có hiệu quả mô hình tổ liên kết được Quỹ hỗ trợ năm 2017, đồng thời tập trung xây dựng mô hình mới như: Hỗ trợ xây dựng mô hình”bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ thành lập tổ hợp tác và nhân rộng mô hình “trồng bí xanh an toàn” tại xã Khánh Hải (Yên Khánh). Theo đó, đã hướng dẫn và hỗ trợ lắp đặt 210 bể thu gom bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật với tổng trị giá 42 triệu đồng tại 14 xã. Từ mô hình, bằng nhiều hình thức vận động, đến nay 14 xã đã nhân rộng được 376 bể thu gom rác thải nông nghiệp…

Đối với hoạt động hỗ trợ thành lập tổ hợp tác và nhân rộng mô hình “trồng bí xanh an toàn” tại xã Khánh Hải, BQL quỹ đã xây dựng mô hình tại xóm Trung A, Đông Mai, tổng diện tích 2ha với 23 hộ tham gia. Để mô hình hoạt động hiệu quả, BQL Quỹ đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao KHKT về sản xuất nông nghiệp an toàn, về kỹ thuật bón phân, vai trò của chuỗi giá trị; tư vấn thành lập tổ hợp tác “trồng bí xanh an toàn”; đồng thời hỗ trợ 100% giống bí xanh, 1.250kg phân bón và 200 triệu nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 23 thành viên tham gia mô hình. Nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất, mô hình “Trồng bí xanh an toàn” đã cho năng suất 600kg/sào, thu nhập đạt 2,4 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với trồng các loại rau mầu khác.

Ngoài các hoạt động xây dựng mô hình, năm 2018, Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ tỉnh đã giải ngân quay vòng cho 1.805 hộ tại 29 xã với tổng số tiền trên 16,2 tỷ đồng (trong đó có 311 hộ vay xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, 1494 hộ vay phát triển kinh tế). Tính đến nay, đã có 19.390 hộ vay vốn với tổng dư nợ 32.521 triệu đồng. Cùng với hoạt động cho vay, thực hiện quy chế của Quỹ, 100% thành viên vay vốn đều tham gia gửi tiết kiệm theo đúng quy định. Năm 2018, các thành viên đã gửi tiết kiệm 2 tỷ 737 triệu đồng. Đến hết năm 2018, tổng số tiền tiết kiệm là 8.763 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm đã được dùng để hỗ trợ cho 1.628 hộ phụ nữ nghèo, khó khăn vay phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã thực hiện dự án.

Tác giả bài viết: Mai Lan

Nguồn tin: Báo Ninh Bình