Hiệu quả ban đầu từ mô hìnhvận động, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Phú Quang, xã Yên Thái của Hội LHPN huyện Yên Mô

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào “Dân vận khéo”, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Mô đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã phù hợp với điều kiện ở mỗi đơn vị. Phát huy kết quả đạt được trong việc hỗ trợ thành lập Hợp tác xã. Năm 2018, Hội LHPN huyện đã chủ trì phối hợp Ban Kinh tế Hội LHPN Tỉnh, Phòng Nghiệp vụ Liên minh HTX tỉnh và Đảng ủy – UBND xã Yên Thái tổ chức các Hội nghị tư vấn, hỗ trợ, thành lập Hợp tác xã Phú Quang với 21 thành viên tham gia, đặc biệt Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và các thành viên tham gia hợp tác xã đều là nữ.
Quang cảnh Hội nghị thành viên thành lập Hợp tác xã Phú Quang
Hợp tác xã Phú Quang hoạt động với 3 lĩnh vực đó là: dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ tổ hợp cói và dịch vụ vệ sinh môi trường; trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 Ban quản trị Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch tập trung vào 2 dịch vụ chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ tổ hợp cói. Những ngày đầu đi vào hoạt động, hợp tác xã gặp không ít khó khăn trong việc vận động các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm đầu ra cho sản phẩm, định hướng kế hoạch kinh doanh của hợp tác xã…nhưng với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén của Ban quản trị Hợp tác xã và sự tin tưởng, đồng lòng, đoàn kết của các thành viên, Hợp tác xã đã từng bước tháo gỡ khó khăn và đi vào hoạt động bước đầu có hiệu quả.

 Sau khi thành lập, Hội đồng quản trị, ban giám đốc, kiểm soát tham gia lớp tập huấn công tác quản lý Hợp tác xã tại tỉnh do Liên Minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức; Đồng thời Hợp tác xã Phú Quang đã liên kết với Hợp tác xã Nghĩa Hưng, xã Khánh Thủy,  huyện Yên Khánh trồng cây dược liệu trên đất 2 lúa tại thôn Phú Trì, xã Yên Thái với diện tích 3ha, sau 3 tháng cho thu hoạch với năng suất đạt 9,5 tấn/ha, cho thu nhập 76 triệu đồng/1ha, cao gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa; liên kết với Hợp tác xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình tổ chức 02 lớp chuyển giao KHKT cho 300 cán bộ, hội viên về cách xử lý và phun phòng trừ ốc bươu vàng bằng thuốc Bảo vệ thực vật thảo dược, đến nay đã có 13 chi hội đăng ký mua thuốc Bảo vệ thực vật của Hợp tác xã với số lượng 13 tạ. Trong vụ Xuân  năm 2019 các thành viên Hợp tác xã đang tiến hành dồn đổi ruộng để trồng 0,5 ha khoai tây trái vụ tại thôn Đông thôn, xã Yên Thái. Trong lĩnh vực dịch vụ tổ hợp cói Hợp tác xã đã tham mưu cho Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp tổ chức 02 lớp đan cói, đan bèo bồng cho 60 thành viên, trong đó có 21 thành viên của Hợp tác xã. Sau học nghề đã cho thu nhập trung bình mỗi tháng 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Phú Quang thành lập bước đầu đã giúp người dân liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định, mang tính bền vững. Bên cạnh đó, HTX phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên kết, hợp tác với nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cho xã viên, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tác giả bài viết: Thúy Hằng