Chị Phạm Thị Ngát làm giàu bằng nghề trồng nấm

Chị Phạm Thị Ngát, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 8, xã Ân Hòa (Kim Sơn) được biết đến là một cán bộ phụ nữ năng động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm qua việc xây dựng mô hình trồng nấm hiệu quả. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Ngát còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ địa phương...
Chị Phạm Thị Ngát cho biết, cách đây hơn 3 năm, đang loay hoay chưa biết tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng cách nào, chị được một người bà con giới thiệu về nghề trồng nấm. Hơn nữa, qua tìm hiểu và nắm bắt từ những lần tham gia tập huấn của tổ chức hội phụ nữ, chị Ngát nhận thấy, tại nhiều địa phương, nghề trồng nấm cho giá trị kinh tế khá cao, lại tận dụng được các phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ để làm nguyên liệu.

Khi triển khai mô hình, chị Ngát tận dụng 200m2 đất thổ cư của gia đình, đồng thời, vay thêm gần 500 triệu đồng để xây dựng mô hình. Để có kiến thức chuẩn về quy trình trồng, chăm sóc nấm, chị Ngát đến những cơ sở sản xuất nấm có tiếng trong tỉnh như cơ sở sản xuất nấm Nhật Minh, xã Yên Phong (Yên Mô) để tìm hiểu về quy trình sản xuất, chế biến các loại nấm, từ đó chị có những hiểu biết cơ bản về điều kiện trồng, đặc tính sinh học, các loại bệnh của nấm và biện pháp phòng trừ... để trong quá trình sản xuất hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trong quá trình đi tìm hiểu và học hỏi thực tế, chị Ngát nhận thấy trồng nấm sò cho hiệu quả kinh tế khá cao, kỹ thuật lại không khó và không mất nhiều thời gian chăm sóc, do đó chị bắt đầu bằng trồng nấm sò và duy trì giống nấm này là chủ đạo, tại cơ sở luôn có trên 6 nghìn bịch nấm sò được trồng gối nhau. Cùng với đất thổ cư tại gia đình, chị Ngát còn thuê thêm 100m2 đất tại xã Hồi Ninh để trồng thêm các loại nấm linh chi, mộc nhĩ - là hai loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Chị Ngát cho biết, để trồng nấm thành công, cho hiệu quả cao, đòi hỏi nguồn giống chuẩn, kỹ thuật tốt, sự kiên trì trong chăm sóc và nắm bắt thời tiết phù hợp. Do đó, chị chú trọng tất cả các khâu, từ chọn nguyên liệu, ủ mùn đến chọn giống, chăm sóc và thu hoạch.... từ đó, sản phẩm nấm các loại của gia đình chị Ngát thường đạt sản lượng cao, chất lượng tốt, được thu mua và đặt hàng rộng rãi, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Với giá bán hiện nay dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg nấm sò, 120-130 nghìn đồng/kg mộc nhĩ, 800 nghìn đồng/kg nấm linh chi, mỗi năm có hàng tấn sản phẩm được sản xuất và xuất bán, chị Ngát thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Các sản phẩm nấm không chỉ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang...

Ngoài sản xuất tại cơ sở của mình, chị Ngát còn liên kết với các cơ sở sản xuất nấm khác trên địa bàn tỉnh thực hiện các khâu, như cung ứng phôi giống, làm đầu mối thu mua sản phẩm, ký gửi sản phẩm tại các cơ sở bạn để sản xuất, xuất bán các loại nấm, tạo quy trình khép kín trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng về nấm đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đa dạng các mặt hàng. Do mở rộng mô hình trồng nấm nên công việc tại cơ sở sản xuất của chị Ngát ngày một nhiều, nhân lực gia đình không đáp ứng đủ, chị Ngát phải thuê thêm 4-5 lao động, thời gian cao điểm vào mùa vụ, chị cần đến 15 người làm các công việc như: đóng bịch, ra lò, vào lò, vào giống, qua đó tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trong xóm với mức thu nhập trên dưới 200 nghìn đồng/người/ngày.

Khi được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 8, ủy viên Ban Thường vụ Hội phụ nữ xã, chị Ngát càng cố gắng để làm gương cho các hội viên trong phát triển kinh tế, tích cực với các hoạt động, phong trào của hội phụ nữ. Chị tích cực chia sẻ kiến thức trồng nấm mà mình tích lũy được cho nhiều chị em phụ nữ có nhu cầu tại địa phương, đồng thời khuyến khích chị em hội viên tùy vào điều kiện thực tế của gia đình để lựa chọn cách phát triển kinh tế phù hợp, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống... Với sự nỗ lực và những đóng góp của mình, chị Phạm Thị Ngát được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh giai đoạn 2016-2018 và được nhiều hội viên phụ nữ trong xóm 8 tin tưởng, làm theo.

 

Tác giả bài viết: Khải Hoàn

Nguồn tin: Báo Ninh Bình