Kế hoạch Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 2 Cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” giai đoạn 2017-2021.

Thực hiện Kế hoạch số 65/KH-ĐCT ngày 16/5/2017 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 02 Cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” nhiệm kỳ 2017-2022; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ XII nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên, phụ nữ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

 2. Việc triển khai Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động phải được tổ chức thực hiện ở mọi tầng lớp phụ nữ, với những nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ; gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

3. Phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Phong trào thi đua, 2 Cuộc vận động và các nhiệm vụ công tác Hội.

 4. Việc đánh giá thi đua và xét khen thưởng đảm bảo công bằng, khách quan, tránh hình thức, luân phiên và cào bằng; lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; hiệu quả tác động đến đời sống của hội viên phụ nữ làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động.

II. CHỈ TIÊU PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ 2 CUỘC VẬN ĐỘNG

1. Hàng năm các cấp Hội tổ chức phát động, học tập, triển khai các nội dung của Phong trào thi đua và  2 Cuộc vận động, phấn đấu 100% cán bộ và ít nhất 90% hội viên, phụ nữ được học tập quán triệt.

2. Hàng năm, mỗi cơ sở Hội lựa chọn ít nhất 01 hành động cụ thể để tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện tạo chuyển biến trong rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang gắn với nhiệm vụ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

3. Hàng năm, mỗi cơ sở Hội giúp được ít nhất 02 hộ gia đình đạt các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, (có sổ theo dõi, có địa chỉ cụ thể); toàn tỉnh giúp được ít nhất 300 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí, trong đó có ít nhất 150 hộ thoát nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

 4. Hàng năm, mỗi cơ sở Hội phát hiện, xây dựng, biểu dương, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân rộng ít nhất 03 mô hình/cách làm hay hoặc cá nhân tiêu biểu; đề xuất các cấp biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Web của Hội, Bản tin Phụ nữ Ninh Bình.

 5. Hàng quý, các chi/tổ Hội lựa chọn, giới thiệu tuyên truyền biểu dương các điển hình tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực; có sổ theo dõi điển hình tại từng cấp Hội. Hội phụ nữ cấp huyện lựa chọn, giới thiệu ít nhất 05 điển hình tiêu biểu xuất sắc với Hội cấp trên để tuyên truyền, biểu dương.

III. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ 2 CUỘC VẬN ĐỘNG

1. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”

1.1 Tích cực học tập: Là chủ động, nỗ lực tự nghiên cứu, học tập và tham gia các hoạt động nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực để áp dụng trong công việc và đời sống. Cụ thể là:

- Đối với hội viên, phụ nữ:

+ Tích cực học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, học văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kiến thức giới, kỹ năng sống, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình...
+ Học tập, tìm hiểu truyền thống của Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Ninh Bình, sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
+ Học tập, tìm hiểu về tổ chức Hội LHPN Việt Nam; quyền và trách nhiệm của hội viên theo quy định của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.

- Đối với cán bộ Hội các cấp: Ngoài các nội dung trên cần phải:

+ Học tập, nghiên cứu nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Hội: Vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
+ Học các kỹ năng vận động quần chúng và vận dụng tốt các kỹ năng đó trong công tác Hội.
+ Học tập, rèn luyện và phấn đấu theo chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Hội “Trung thành, vị tha, tận tụy, thủy chung” và 4 tiêu chí văn hóa công sở:  “Đoàn kết - Trách nhiệm - Thân thiện - Văn minh”.

    1.2 Lao động sáng tạo: Là suy nghĩ, tìm tòi những sáng kiến, giải pháp nhằm cải tiến, hợp lý hóa những việc đang làm (trong sản xuất, đời sống) để tiết kiệm thời gian, sức lực, nguyên vật liệu và tăng năng suất, qua đó nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Cụ thể là:

- Đối với  nữ nông dân:
+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa an toàn.
+ Thực hiện nội dung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.
+ Thực hành tiết kiệm trong lao động, có sáng kiến nâng cao năng suất lao động.
+ Thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Đối với nữ công chức, viên chức và người lao động:

+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong quá trình công tác, lao động, sản xuất.
+ Tích cực nghiên cứu, có sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc khoa học, tiết kiệm, hiệu quả.
+ Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lao động, tổ chức công việc hợp lý.

- Đối với nữ lãnh đạo quản lý:

+ Đổi mới phương thức tổ chức quản lý khoa học, hiệu quả.
+ Sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
+ Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ.

- Đối với nữ doanh nhân, tiểu thương:

+ Sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, tích cực thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và trách nhiệm xã hội.
+ Ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
+ Tạo dựng, giữ gìn thương hiệu hàng hóa Việt Nam; coi trọng chữ tín trong sản xuất, kinh doanh.

1.3 Xây dựng gia đình hạnh phúc:

Là tạo môi trường hòa thuận, lành mạnh cho sự phát triển toàn diện và sự bình đẳng của mỗi thành viên trong gia đình, góp phần xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn, văn minh, phát triển.
Cụ thể là:
+ Thực hiện tốt các tiêu chí của CVĐ “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
+ Thực hiện tốt các tiêu chuẩn của gia đình Văn hóa.

2. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”

2.1 Tiêu chí gia đình “5 không”:  

- Tiêu chí 1: Gia đình không nghèo: Là gia đình có mức thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin) tương đương mức quy định đối với hộ có thu nhập trung bình theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

- Tiêu chí 2:  Gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội: Là gia đình có các thành viên chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước, hương ước cộng đồng; Không có thành viên mắc các TNXH (ma tuý, đánh bạc, nghiện rượu...). Những gia đình từng có người vi phạm nhưng đã được giúp đỡ, sửa chữa, tái hòa nhập cộng đồng và hiện không còn vi phạm pháp luật và TNXH.

- Tiêu chí 3: Gia đình không có bạo lực: Là gia đình trong đó mọi thành viên thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Không ai có hành vi bạo lực dưới mọi hình thức với người thân của mình, đặc biệt là với người già, phụ nữ và trẻ em.

- Tiêu chí 4. Gia đình không khói thuốc: Là gia đình không có người hút thuốc lá và trong nhà không có khói thuốc lá làm ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình.

- Tiêu chí 5: Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng: Là gia đình có trẻ em được chăm sóc đầy đủ, đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, không bị tình trạng thiếu hoặc thừa các chất dinh dưỡng; đạt chuẩn cân nặng và chiều cao theo lứa tuổi.

2.2 Tiêu chí Gia đình “3 sạch”:Ăn sạch, uống sạch, ở sạch”, cụ thể:

- Tiêu chí 6: Ăn sạch: Là lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; nơi đun nấu, dụng cụ chế biến hợp vệ sinh; Bảo quản thực phẩm đúng cách; thời gian chế biến, thời gian dùng bữa hợp lý, sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo đủ về lượng, đủ chất, đủ năng lượng cần thiết, cân đối các chất dinh dưỡng trong bữa ăn; không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; Ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

- Tiêu chí 7:Uống sạch: Là sử dụng nước sạch trong sinh hoạt (Nước mưa, nước giếng, nước máy) đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nước uống (TCVN 01:2009) ; hạn chế sử dụng đồ uống có gas, có cồn (Rượu,bia, nước ngọt); có ý thức bảo vệ nguồn nước, không để nước thải, chất thải chưa xử lý trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt làm ô nhiễm nguồn nước.

- Tiêu chí 8: Ở sạch: Là nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, không nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần nơi ở của gia đình; thường xuyên thau rửa dụng cụ vệ sinh, dụng cụ chứa nước sạch của gia đình; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ; có ý thức phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; đổ rác đúng nơi quy định; tích cực tham các hoạt động góp phần giữ vệ sinh chung, tạo môi trường xanh, sạch đẹp.

3. Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

3.1 Tự tin: Là tin tưởng vào bản thân mình. Người tự tin là người tin tưởng vào năng lực bản thân, có chí tiến thủ; tự đánh giá ưu, nhược điểm; không ngại khó, ngại khổ; năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chủ động, bình tĩnh xử lí mọi tình huống. Có tinh thần hợp tác cao; sẵn sàng giúp đỡ người khác; khiêm tốn khi thành công, bình tĩnh rút kinh nghiệm khi thất bại.

3.2 Tự trọng: Là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Người có lòng tự trọng là người yêu nước, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân; luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ; thương yêu, giúp đỡ, gắn bó với các thành viên trong gia đình; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; nói đi đôi với làm; tự chủ, tự lực, tự giác cao.

3.3 Trung hậu: Là trung thực, nhân hậu trong quan hệ với mọi người. Biểu hiện của phẩm chất trung hậu là lòng trung thành, chung thủy; nhân ái, sống có nghĩa, có tình; thể hiện sự thẳng thắn, công tâm, khách quan trong đánh giá, đối xử với mọi người; không tham lam, vụ lợi.

3.4 Đảm đang: Là những người biết lo toan, sắp xếp để thực hiện tốt cả công việc gia đình và xã hội. Người phụ nữ đảm đang là người có khả năng quán xuyến công việc gia đình; biết cân đối thời gian giữa việc gia đình và việc xã hội; biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

3.5 Nội dung cụ thể đối với các nhóm đối tượng:

- Đối với phụ nữ nông thôn, đô thị: Tích cực lao động sản xuất; sắp xếp công việc gia đình hợp lý; không sử dụng các chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; không sử dụng thực phẩm bẩn; thực hiện vệ sinh môi trường; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, văn minh du lịch...
- Đối với nữ học sinh, sinh viên: Sống có lý tưởng, ước mơ, khát vọng,  vươn lên học tập tốt để lập thân, lập nghiệp; sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa.     - Đối với nữ công chức, viên chức, lao động và lực lượng vũ trang: Thực hiện tốt các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”;“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Phụ nữ Công an nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kỉ cương sáng tạo vì an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng phụ nữ Quân đội có sức khỏe tốt, phẩm chất tốt, chuyên môn tốt, xây dựng gia đình tốt”; gương mẫu chấp hành nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
- Đối với phụ nữ kinh doanh: Không gian lận trong kinh doanh; không kinh doanh, sản xuất hàng giả, kém chất lượng, thực phẩm bẩn; không trốn thuế; tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh; sản xuất kinh doanh có chất lượng, hiệu quả; sắp xếp công việc gia đình hài hòa với công việc kinh doanh....
         
IV. CÁCH THỨC TRIỂN KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ 2 CUỘC VẬN ĐỘNG

Hàng năm, các cấp Hội tập trung thực hiện tốt các hoạt động sau:

1. Tổ chức phát động, học tập, triển khai các nội dung của Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động tới cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ bằng các hình thức thiết thực, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung cụ thể  hàng năm của Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động hoặc các đợt thi đua đặc biệt sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh.
2. Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và gia đình tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động; Không tổ chức đăng ký, bình xét đạt các tiêu chuẩn của Phong trào thi đua và các tiêu chí Cuộc vận động.
3. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn của Phong trào thi đua và các tiêu chí của 2 Cuộc vận động.
4. Thường xuyên theo dõi, phát hiện điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, đề xuất Hội cấp trên và chính quyền, các ngành khen thưởng phụ nữ tiêu biểu.
5. Các cấp Hội có sổ theo dõi  kết quả và vai trò của Hội trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ và các gia đình thực hiện Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp tỉnh

- Các Ban chuyên môn và Văn phòng cơ quan Hội LHPN tỉnh bám sát nội dung Kế hoạch, căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã đề ra, đồng thời kiểm tra việc thực hiện để đảm bảo tiến độ, chất lượng.
- Giao Ban Tuyên giáo là đầu mối theo dõi điển hình trên các lĩnh vực; Hàng quý phối hợp lựa chọn, giới thiệu từ 3-5 điển hình tập thể/cá nhân tiêu biểu gửi Trung ương Hội LHPN Việt Nam để tuyên truyền, biểu dương. Văn phòng và các ban chuyên môn theo dõi, thẩm định điển hình thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Giao Văn phòng là đầu mối phối hợp với các Ban đề xuất khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc hàng năm, đột xuất, chuyên đề và dịp sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và các cuộc vận động.
- Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Phong trào thi đua, 2 cuộc vận động gắn với Hội nghị biểu dương phụ nữ điển hình tiên tiến (năm 2020) và Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII (năm 2021)

2. Cấp huyện và tương đương

- Căn cứ Kế hoạch của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
- Trong quá trình thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội phải có các hoạt động cụ thể để hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện các nội dung của Phong trào thi đua và 02 Cuộc vận động.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Phong trào thi đua, 02 Cuộc vận động và các nhiệm vụ công tác Hội.
- Hàng quý, lựa chọn, giới thiệu điển hình tiêu biểu xuất sắc gửi về Hội LHPN tỉnh qua Ban Tuyên giáo. Hàng năm, chủ động đề xuất các cấp, các ngành khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua và 2 Cuộc vận động giai đoạn 2017-2021, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc, Văn phòng và các Ban chuyên môn cơ quan tỉnh Hội triển khai thực hiện./.

Nguồn tin: BTV Hội LHPN tỉnh