Hướng dẫn Tiêu chí xác định thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật và quy trình triển khai quản lý, giáo dục tại cơ sở

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 19/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 124/CTHĐ-UBND ngày 09/11/2017 của UBND tỉnh “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên”; căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công an tỉnh phối hợp xây dựng tiêu chí xác định thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật và hướng dẫn quy trình các bước triển khai thực hiện công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục từ cơ sở cụ thể như sau:
I. Tiêu chí xác định thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật
Là thanh, thiếu niên có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 30 tuổi và có một trong các biểu hiện sau:
1. Là học sinh nhưng thường bỏ học, không chấp hành nội quy, quy định nhà trường, gây gổ đánh nhau; hoặc đã bị đuổi học, thường tụ tập chơi bời lêu lổng, bỏ nhà đi lang thang, thuê nhà sống buông thả, bầy đàn, quan hệ nam nữ phức tạp; côn đồ càn quấy;
2. Lười lao động nhưng có dấu hiệu bất minh về tài sản; có hành vi cầm cố tài sản của gia đình, của người khác để lấy tiền tiêu sài không chính đáng; nghiện chơi game; cờ bạc, có biểu hiện sử dụng, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy; có quan hệ phức tạp với đối tượng hình sự, ma túy;
3. Thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, xâm phạm sức khỏe người khác có chủ ý, thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông mặc dù đã được giáo dục, bị xử lý nhiều lần (3 lần trở lên) vẫn cố tình vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
4. Không chịu sự quản lý giáo dục của gia đình; có hành vi vi phạm pháp luật như: cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo và trộm cắp tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
5. Thường xuyên tụ tập uống rượu, bia say sau đó gây rối trật tự công cộng. Nghi vấn tàng trữ vũ khí; sử dụng xe máy lạng lách, đánh võng, vi phạm luật giao thông đã được giáo dục hoặc xử lý hành chính nhưng vẫn vi phạm;
6. Số thanh thiếu niên đã đi Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng, đi tù trở về địa phương nhưng chưa tiến bộ và có biểu hiện vi phạm pháp luật;
7. Bị tác động trái chiều, có quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chia sẻ trên các trang mạng xã hội những thông tin, quan điểm về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tiêu cực, trái với đường lối chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước;
8. Các hành vi vi phạm pháp luật khác trong văn hóa ứng xử, trong chấp hành chủ trương, chính sách, quy định ở địa bàn dân cư đã bị xử lý nhiều lần (3 lần trở lên) vẫn cố tình vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải đưa vào quản lý, giáo dục để phòng ngừa vi phạm và phạm tội.

II. Quy trình thực hiện công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật tại cơ sở
Thành lập Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã, phường, thị trấn. Đối với Ban Chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và đại diện của tổ dân phố, thôn, xóm.
Giao cho lực lượng Công an chịu trách nhiệm chính phối hợp khảo sát, lên danh sách số thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật, cụ thể như sau:
- Các Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phòng Cảnh sát kinh tế căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tiến hành làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đề nghị tổ chức khảo sát toàn diện và lập danh sách số thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật thuộc đơn vị mình quản lý.
- Các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, trong quá trình công tác nếu phát hiện các thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương để có biện pháp quản lý, giáo dục.
- Các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an phường, xã, thị trấn, đồn; cán bộ phụ trách CQDN, trường học tham mưu cho Thủ trưởng các CQDN, trường học; UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật cụ thể như sau:

+ Bước 1 - Khảo sát: Cán bộ công an phụ trách các CQDN, trường học; Công an xã, phường, thị trấn, đồn (Công an cấp xã) chủ trì phối hợp với MTTQ, các đoàn thể, tổ dân phố, thôn, xóm; Phòng Quản lý HS – SV, Tổ chức công đoàn và các tổ chức đoàn thể của CQDN tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại, lập danh sách xem xét đưa vào diện thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật.

+ Bước 2 – Gặp gỡ, nhắc nhở: Công an cấp xã cùng đại diện MTTQ, các đoàn thể, đại diện Tổ dân phố, thôn, xóm đến gia đình thanh, thiếu niên hư gặp gỡ, thông báo với bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng về những biểu hiện vi phạm pháp luật của con em họ (nếu là học sinh, cán bộ, CNV có thông báo gửi đến nhà trường, CQDN nơi học tập, làm việc đề nghị phối hợp quản lý, giáo dục). Yêu cầu có trách nhiệm quản lý, giáo dục, nếu không tiến bộ thì đưa vào diện quản lý, giáo dục (thời gian là 3 tháng).

+ Bước 3 - Xét duyệt: Thành lập Ban chỉ đạo của CQDN, trường học, xã, phường, thị trấn để quản lý giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật, trong Ban chỉ đạo có sự phân công trách nhiệm cụ thể. Sau 3 tháng theo dõi thanh, thiếu niên hư (kể từ ngày gặp gỡ, thông báo), Cán bộ phụ trách các CQDN, trường học; Công an cấp xã tham mưu tổ chức cuộc họp xét duyệt đưa vào diện quản lý, giáo dục.

* Thành phần cuộc họp gồm: lãnh đạo CQDN, trường học; lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn (chủ trì) cùng Cán bộ công an phụ trách CQDN, trường học; đại diện chỉ huy Công an phường, xã, thị trấn, đồn, CSKV, CA viên (thư ký); đại diện cán bộ các đoàn thể (MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, ..); cán bộ Tổ dân phố, thôn, xóm (Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ BVDP, ANCS). Tùy từng đối tượng, số lượng để triệu tập thành phần dự họp cho phù hợp.
* Nội dung: thông báo những biểu hiện vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên hư cần đưa vào diện quản lý, giáo dục để các thành phần dự họp đánh giá, nhận xét, đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.
* Biểu quyết (có thể bằng hình thức bỏ phiếu, giơ tay hoặc đồng thuận do người chủ trì quyết định): thanh, thiếu niên được đưa vào diện quản lý, giáo dục khi có kết quả trên 75% số thành phần dự biểu quyết đồng ý.

+ Bước 4 – Lập hồ sơ: Trong thời gian 5 ngày (kể từ ngày họp xét duyệt), Cán bộ công an phụ trách CQDN, trường học; Công an cấp xã thu thập tài liệu, lập hồ sơ quản lý; tham mưu Thủ trưởng CQDN, trường học; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ban hành quyết định đưa vào diện quản lý, giáo dục và phân công cán bộ đoàn thể, Công an, tổ dân phố, thôn, xóm tham gia quản lý, giáo dục. Trong thời gian 2 ngày (kể từ ngày ra quyết định) phải thông báo cho thanh, thiếu hư và đại diện gia đình biết.

+ Bước 5 – Tổ chức ký kết: Sau thời gian 5 ngày (kể từ ngày ra quyết định đưa thanh, thiếu niên hư vào quản lý, giáo dục), Cán bộ công an phụ trách CQDN, trường học; Công an cấp xã tổ chức buổi làm việc tại 1 địa điểm thuận tiện (Trụ sở CQDN, trường học; Nhà văn hóa phố, thôn, xóm hoặc Công an xã, phường, thị trấn, đồn) gồm: người đưa vào giáo dục, đại diện gia đình, người được được phân công quản lý, giúp đỡ hoặc có thể thêm đại diện đoàn thể khác do Công an cấp xã đề xuất. Tại buổi làm việc, đại diện người được phân công quản lý, giáo dục công bố quyết định của Thủ trưởng CQDN, trường học; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; các ý kiến phát biểu thống nhất các hình thức, biện pháp phối hợp giáo dục, giúp đỡ và cùng ký cam kết.

+ Bước 6 – Quản lý, giáo dục, giúp đỡ: Sau khi được phân công giúp đỡ thanh, thiếu niên hư, người được phân công phải xây dựng kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ; thống nhất với gia đình cách thức giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ người được giáo dục tiến bộ. Thường xuyên gặp gỡ tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; động viên, khích lệ; tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm; ….

+ Bước 7 – Đánh giá, nhận xét: Định kỳ hàng tháng (vào ngày 25), người được phân công đánh giá kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục báo cáo Thủ trưởng CQDN, trường học; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và thông báo cho đại diện gia đình biết.
Nếu không tiến bộ, mà xét đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ thì đưa vào quản lý, giáo dục tại xã, phường và áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục theo Nghị định 111.

+ Bước 8 – Phân loại, công nhận tiến bộ: Sau 6 tháng quản lý, giáo dục, Công an cấp xã tham mưu tổ chức cuộc họp đánh giá, công nhận tiến bộ cho từng trường hợp; có thể lồng ghép với Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ANTT.
- Đối với thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên thì định kỳ hằng quý, 6 tháng các trường học phải tổ chức họp đánh giá kết quả tu dưỡng rèn luyện và công nhận tiến bộ cho từng trường hợp.
- Đối với thanh niên là cán bộ, công nhân viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thì Thủ trưởng cơ quan định kỳ 6 tháng tổ chức họp đánh giá, công nhận tiến bộ cho từng trường hợp.
* Thành phần cuộc họp như cuộc họp xét duyệt đưa thanh, thiếu niên hư vào diện quản lý, giáo dục.
* Nội dung: cán bộ công an phụ trách CQDN, trường học, Công an cấp xã được phân công giúp đỡ báo cáo kết quả rèn luyện, chấp hành của người đưa vào quản lý, giúp đỡ và đề xuất hình thức công nhận tiến bộ hoặc chưa tiến bộ, cần tiếp tục gia hạn; các thành phần dự họp đánh giá, nhận xét.
* Biểu quyết (có thể bằng hình thức bỏ phiếu, giơ tay hoặc đồng thuận do người chủ trì quyết định): người được đưa ra khỏi diện quản lý, giáo dục khi có kết quả trên 75% số thành phần dự biểu quyết đồng ý. Nếu kết quả dưới 75% thì tiếp tục gia hạn quản lý, giáo dục thời gian 06 tháng.

+ Bước 9 - Kết thúc quản lý: Trong thời gian 3 ngày (kể từ ngày họp xét duyệt), Cán bộ công an phụ trách CQDN, trường học; Công an cấp xã tham mưu Thủ trưởng CQDN, trường học; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ban hành quyết định đưa ra khỏi diện quản lý, giáo dục và thông báo quyết định cho thanh, thiếu hư và gia đình biết. Kết thúc hồ sơ quản lý, lưu giữ tại CQDN, trường học; Công an cấp xã.
Trường hợp, người được giáo dục vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, cán bộ Công an cấp xã đề xuất áp dụng các biện pháp đưa vào quản lý, giáo dục theo Nghị định 111/CP, đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, Trung tâm cai nghiện bắt buộc hoặc các biện pháp khác để xử lý nghiêm trước pháp luật. Chuyển những tài liệu cần thiết sang hồ sơ quản lý, xử lý mới; kết thúc hồ sơ quản lý, lưu giữ tại Công an cấp xã.
- Hằng năm đề nghị UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, đánh giá, nhận xét công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật cho các xã, phường, thị trấn, trường học và cơ quan đơn vị trực thuộc. Giao chỉ tiêu cho mỗi xã, phường, thị trấn có thanh, thiếu niên hư phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể hằng năm ít nhất phải giáo dục, cảm hóa được từ 1 đến 3 thanh, thiếu niên hư. Đồng thời lấy kết quả giúp đỡ, cảm hóa thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật tại cộng đồng tiến bộ là một chỉ tiêu cụ thể trong tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu thi đua của các đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ.

III. Tổ chức thực hiện
Căn cứ Hướng dẫn này, các đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả; quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo về Công an tỉnh (qua Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ) và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (qua Ban phong trào) để được chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Hai ngành thống nhất giao cho Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (Công an tỉnh) và Ban phong trào (UB MTTQ Việt Nam tỉnh) là cơ quan thường trực tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện công tác này ở cơ sở. Định kỳ 6 tháng (15/5) 1 năm (15/10) các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Công an tỉnh (qua Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ) và UBMTTQ Việt Nam tỉnh (qua Ban phong trào) để tập hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

Nguồn tin: Theo HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH GIỮA CÔNG AN VÀ UBMTTQ VN TỈNH.