Chị Tựa vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi

Được gặp gỡ chị Phạm Thị Tựa, hội viên chi hội phụ nữ thôn Lãng Nội, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn và nghe chị kể về cuộc đời chị tôi rất bất ngờ và khâm phục. Ẩn sâu trong con người nhỏ bé và khắc khổ ấy là một nghị lực sống mạnh mẽ, bền bỉ.

Năm 1980 chị xây dựng gia đình. Bắt tay vào lập nghiệp, kinh tế gia đình rất khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng và tiền công lao động thời vụ. Dành dụm được ít vốn, vợ chồng chị đầu tư chăn nuôi gà, lợn. Song do chăn nuôi nhỏ lẻ, kiến thức, kinh nghiệm không có, vật nuôi chậm lớn lại hay bị chết do dịch bệnh nên hiệu quả không cao. Một năm sau ngày chị lấy chồng, anh trai chồng mất sớm để lại ba đứa cháu mồ côi. Thương các cháu côi cút, vợ chồng chị nhận về nuôi và coi chúng như những đứa con dứt ruột đẻ ra. Rồi 3 con chị lần lượt chào đời, kinh tế càng khó khăn.

Năm 1996, chị gái chồng cũng mất vì bệnh tật để lại một đứa con nhỏ, gia đình chị lại nhận cháu về nuôi. Nhà thêm miệng ăn là thêm phần khó khăn, vất vả. Những tưởng vợ chồng sẽ chung lưng đấu cật để vượt qua nghèo đói. Ai ngờ, tai họa ập đến, năm 2002 trong một lần bất cẩn chồng chị bị ngã giàn giáo gãy cả tay và chân. Từ đó, công việc nặng nhọc anh không đảm đương được. Gia đình chị trở thành hộ nghèo của xã.

Nhiều đêm trăn trở, chị suy nghĩ: Chồng mình không may bị vậy thì mình phải trở thành trụ cột để làm chỗ dựa cho các con, các cháu. Chị quyết tâm phải vươn lên thoát nghèo để có điều kiện nuôi các con ăn học. Chị không nề hà việc gì từ việc nhỏ đến những việc nặng cần sức vóc đàn ông miễn là có tiền để trang trải kinh tế gia đình. Nhưng sức người có hạn, trong tay lại không có đồng vốn thì phải làm gì, làm như thế nào để vươn lên thoát nghèo? Đó là câu hỏi luôn thường trực trong chị.

Năm 2002, được chị em tuyên truyền, vận động và hiểu rõ về lợi ích khi tham gia tổ chức hội, chị đã tham gia vào hội phụ nữ. Thông qua Hội, chị được chị em động viên, chia sẻ trong những lúc vui buồn, được cung cấp kiến thức khoa học trong chăn nuôi, sản xuất. Được hỗ trợ, động viên kịp thời chị cảm thấy có thêm sức mạnh và niềm tin vì chị biết rằng bên cạnh  luôn có các chị em và tập thể chi hội. Năm 2003, chị mạnh dạn trao đổi với chị em cùng xóm dồn điền đổi thửa một mẫu tám ruộng để cải tạo trồng xen canh lúa - cá. Với diện tích 5 sào ao, chị thả cá trắm cỏ, cá trôi, cá chép, cá chim... cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm. Điều đó đã giúp gia đình chị cải thiện thu nhập, bớt khó khăn.

Năm 2009, phong trào nuôi bò sinh sản phát triển ở xã. Chị bàn với chồng đầu tư vốn chuyển sang nuôi bò. Chị vay 30 triệu đồng tiền vốn mua 2 con bò nái, 1 năm sau nhờ chăm sóc tốt, bò đẻ lứa đầu tiên, chị bán được 2 con bê đực thu về 20 triệu đồng. Năm sau nữa, bò đẻ lứa thứ hai, chị đã thu đủ vốn để trả nợ Ngân hàng. Chị trao đổi: “Nuôi bò cho thu nhập cao hơn, ít rủi ro hơn tuy chi phí đầu tư ban đầu hơi cao”. Trong quá trình tham gia sinh hoạt Hội, chị luôn tích cực tham gia các buổi chuyển giao KHKT do xã tổ chức, được hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Không chỉ hỗ trợ kiến thức, Hội lại đứng ra tín chấp cho chị vay 10 triệu đồng phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, vợ chồng chị đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng chăn nuôi. Khi bò mẹ sinh con, nếu là bê đực thì chị bán lấy vốn để đầu tư sản xuất và nuôi con ăn học, bê cái thì để lại nuôi làm giống, đến nay gia đình chị đang nuôi 5 con bò sinh sản, 3 con lợn nái, 700 con vịt đẻ trứng và vịt thịt mỗi năm cho thu nhập từ 120-130 triệu đồng/năm.

 Ngoài ra chị luôn động viên và phân công công việc cho các con phụ giúp. Qua thời gian các con chị lớn dần và cũng biết đỡ đần cha mẹ, chăn nuôi thì thuận lợi, do vậy, mấy năm trở lại đây, mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 100 triệu đồng. Hiện tại vợ chồng chị đã xây dựng được căn nhà 02 tầng khang trang, mua sắm được đầy đủ tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt, các con, các cháu của chị đã khôn lớn, trưởng thành, 02 con chị đã lập gia đình. Có lẽ, đó là món quà xứng đáng và ý nghĩa nhất mà cuộc sống đã dành tặng cho chị.

Chị Phạm Thị Tựa xứng đáng là tấm gương phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi. Với thành tích đó, vừa qua chị vinh dự được nhận giấy khen của Hội Liên hiệp phụ nữ xã trong dịp Đại hội đại biểu phụ nữ xã Gia Lập nhiệm kỳ 2016-2021.
 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Hồng Thắm, Phó trưởng Ban GĐ-XH