Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng”

Trước khi được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn Đồng Quan, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) từ năm 2014, bà Hà Thị Hồng Kế đã từng trải qua nhiều nhiệm vụ khác như: Bí thư chi bộ thôn, Trưởng ban khuyến học… Và dù ở cương vị nào, bà Hà Thị Hồng Kế đều có những đóng góp thiết thực, quan trọng, góp phần tạo nên sự thay đổi diện mạo của thôn.
Thôn Đồng Quan, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) có 247 hộ với gần 800 khẩu. Trước đây, kinh tế của thôn rất khó khăn, khi nghề chính của bà con là làm nông nghiệp và nghề chài lưới. Từ khi còn làm bí thư chi bộ thôn (năm 2004), bên cạnh việc vận động nhân dân tiếp tục đi sâu vào thâm canh, tăng vụ, tích cực tiếp thu giống mới, áp dụng KHKT, thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng nhằm nâng cao năng suất cây trồng thì bà Kế cùng Ban công tác mặt trận thôn cũng tập trung tuyên truyền vận động nhân dân khôi phục và phát triển nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 2009, thôn Đồng Quan được công nhận là Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ.

Để người dân ổn định sản xuất, bà Hà Thị Hồng Kế cùng cán bộ trong Ban công tác mặt trận thôn đã tích cực vận động một bộ phận nhân dân xóm chài lên bờ xây dựng nhà cửa chuyển đổi nghề từ sông nước chài lưới sang làm nông nghiệp và làm đá mỹ nghệ. Ông Nguyễn Đình Văn, một người dân xóm chài cho biết, ban đầu chúng tôi không ủng hộ chủ trương lên bờ làm kinh tế. Bởi tuy thu nhập thấp và không ổn định, song nghề chài lưới đã gắn với chúng tôi từ bao đời nay. Giờ lên bờ thì chúng tôi biết làm nghề gì để kiếm sống? Tuy nhiên, tư tưởng này của chúng tôi đã thay đổi khi được đồng chí trưởng thôn và Ban công tác mặt trận đến tận nhà, nhiệt tình phân tích hơn thiệt.

Đến nay, tất cả các hộ gia đình xóm chài đã có việc làm, có thu nhập và đời sống ổn định. Bằng các nguồn vốn huy động sẵn có của từng gia đình cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng các mô hình phát triển kinh tế. Hiện, trong thôn có 2 trang trại chăn nuôi, 160 hộ làm nghề chế tác đá mỹ nghệ. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2018, toàn thôn giảm từ 15 hộ nghèo xuống còn 9 hộ, trong đó nguyên nhân nghèo chủ yếu là do già cả, neo đơn hoặc trong gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo đứng chủ, số hộ giàu chiếm trên 13%, còn lại là hộ khá và trung bình, không còn hộ đói. Nhiều hộ đã sắm công cụ sản xuất đắt tiền như ô tô, máy xẻ, máy làm đất, làm mộc…

Kinh tế phát triển, đời sống của bà con trong thôn được cải thiện chính là động lực để bà Hà Thị Hồng Kế cùng các đồng chí trong Ban công tác mặt trận của thôn phát động bà con tham gia vào các phong trào ý nghĩa, thiết thực khác, điển hình như các phong trào: chung tay vì trẻ em nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, vì nạn nhân chất độc da cam, xây dựng quỹ khuyến học khuyến tài… Đặc biệt, thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, nhân dân trong thôn đã tích cực đóng góp, ủng hộ, chủ động giúp đỡ các đối tượng chính sách, những người già cô đơn không nơi nương tựa. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn đóng góp của nhân dân, thôn Đồng Quan đã xây dựng được các công trình phúc lợi như Nhà văn hóa, nhà trẻ, sân bóng đá, bóng chuyền, tu sửa Đình làng và các công trình thờ tự, tín ngưỡng khác.

Sự học của con em cũng được đầu tư đúng mức, hàng năm có 100% số trẻ em đến trường đúng độ tuổi, không còn tình trạng trẻ em bỏ học. Tính riêng năm học 2018-2019, toàn thôn có 9 cháu đỗ đại học. Hàng năm, chi hội khuyến học của thôn đã phát thưởng cho từ 60-70 cháu học sinh đạt thành tích trong học tập với số tiền từ 1,2-2 triệu đồng. Ban công tác mặt trận thôn cũng tích cực vận động bà con tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở địa phương. Đến nay, thôn đã thành lập được 1 đội văn nghệ gồm 25 người, 1 đội bóng đá nam, 1 đội bóng đá nữ, 1 đội bóng chuyền, 1 CLB dưỡng sinh của Chi hội người cao tuổi với 28 cụ … Năm 2018, toàn thôn có 198 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ trên 80%, trong đó có 7 gia đình văn hóa tiêu biểu.

Với những đóng góp tích cực, bà Hà Thị Hồng Kế được nhân dân trong thôn tín nhiệm, bầu làm trưởng thôn Đồng Quan nhiệm kỳ 2018-2021 với tỷ lệ phiếu bầu đạt 96,96%. Nói về chặng đường sắp tới, nữ trưởng thôn Hà Thị Hồng Kế chia sẻ, nghề đá mỹ nghệ đã thực sự làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân trong thôn. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển ấy là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều hộ làm nghề còn bày hàng tràn lan ra đường, ảnh hưởng đến mỹ quan và giao thông. Trong thời gian tới, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, và Ban công tác mặt trận thôn sẽ tiếp tục đến từng hộ để tuyên truyền, vận động người dân đưa xưởng sản xuất vào làm tập trung trong làng nghề.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hùng