Gặp nữ cựu thanh niên xung phong tiêu biểu

Trong âm hưởng của những ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) Quách Thị Vang ở xóm 4, thôn Yên Cư 3, xã Khánh Cư (Yên Khánh) về những năm tháng tham gia mở đường Trường Sơn. Trong chiến tranh, bà cũng như nhiều cựu TNXP đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Với bà, những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn, đi đánh Mỹ” là một phần của cuộc sống và là ký ức không phai.

 

 

Vợ chồng nữ cựu thanh niên xung phong Quách Thị Vang xem lại kỷ vật chiến trường. Ảnh: Thế Minh
Vợ chồng nữ cựu thanh niên xung phong Quách Thị Vang xem lại kỷ vật chiến trường. Ảnh: Thế Minh

Sinh ra và lớn lên ở xã Đức Long (Nho Quan), năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, cô thôn nữ Quách Thị Vang đã cùng với một số người khác trong xã viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP, lên đường vào Nam phục vụ chiến trường. Khi đó, cô gái TNXP Quách Thị Vang vừa tròn 17 tuổi. Vào lực lượng TNXP, cô được biên chế tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 315, Trung đoàn 6, Sư đoàn 473. Nhiệm vụ chính của đơn vị là tham gia mở đường, san lấp hố bom mìn trên các tuyến đường 9 và 14. Với bản chất nhanh nhẹn, luôn nhiệt tình trong công việc, sống tình cảm, biết quan tâm sẻ chia giúp đồng đội nên TNXP Quách Thị Vang được đơn vị tín nhiệm cử giữ chức Trung đội phó.

Nhớ về một thời mưa bom, bão đạn trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, cựu TNXP Quách Thị Vang rơm rớm nước mắt khi nhắc đến những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn xanh thẳm. Bà kể: Địa bàn đơn vị Trung đoàn 6 tham gia thông đường là tuyến đường trọng điểm mà đế quốc Mỹ ngày đêm ném bom nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chiến trường không chỉ khốc liệt bởi mưa bom, bão đạn mà những người lính Trường Sơn cũng như các TNXP phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ của thiên tai. Bởi dãy Tây Trường Sơn một năm chỉ có 2 mùa mưa và nắng. 6 tháng mùa khô, cả dãy Tây Trường Sơn nắng nóng như chảo lửa. Mỗi lần xe chạy qua gần như không nhìn thấy mặt người. Mùa nắng vất vả là vậy nhưng vào mùa mưa thì còn cực hơn bởi trời luôn đổ mưa không ngớt, tầm tã suốt nhiều tháng liền. Những cơn mưa rừng cứ ào ào tràn về như thác nước, có khi cuốn trôi cả đoạn đường mà đơn vị vừa san lấp. Những ngày mưa, củi không có để đun nấu, các chiến sỹ phải ăn lương khô, gạo sấy... Những trận sốt rét rừng vì thế mà hoành hành. Nhiều chị em bị rụng hết tóc, người gầy xanh như tàu lá..., nhiều người không chịu nổi đã đổ bệnh mà chết. Kể đến đây bà Vang dừng lại những giọt nước như muốn tràn ra...

Chúng tôi trấn tĩnh bà: Ngày xưa, hẳn bác là “cây văn nghệ” của đơn vị? Bà Vang cười: Tôi hát không hay nhưng hay hát. Đơn vị chúng tôi thời đó đa phần là những chàng trai, cô gái đang tuổi mười tám, đôi mươi, rất nhí nhảnh, yêu đời. Buổi tối, khắp đơn vị lại rộn vang tiếng nói, cười đùa và tiếng hát. Bởi vậy mà những khó khăn, khốc liệt của chiến tranh đã không ngăn nổi tinh thần chiến đấu quả cảm của những người lính, những TNXP. Mặc dù bị địch ném bom cày xới ngày đêm, đơn vị của chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ trên đường với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, quyết không để những đoàn xe ùn tắc. Dũng cảm, linh hoạt trong chiến đấu, bà Vang vinh dự được Sư đoàn 437 tặng Bằng khen vì “có thành tích xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến dịch duy tu, nâng cấp đường 9” cùng nhiều giấy khen của đơn vị.

Kỷ niệm trong chiến trường mà bà Vang nhớ mãi và cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại bà đều rưng rưng xúc động. Bà chia sẻ: 17 tuổi tôi tham gia TNXP, tuổi xuân gắn trọn với những cung đường, lọt qua mưa bom, bão đạn được trở về với gia đình, đó là điều may mắn. Năm 1975, khi nghe tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, mọi người trong đơn vị chúng tôi ôm nhau vỡ òa trong hạnh phúc. Trong niềm vui chiến thắng, chúng tôi không ngăn được những dòng nước mắt vì thương nhớ bao đồng đội đã không được chứng kiến thời khắc non sông thu về một mối.

Tham gia mở đường cùng đơn vị đến hết năm 1975 bà Vang xuất ngũ, về làm công nhân Công ty Xây lắp công nghiệp Hà Nam Ninh. Một điều nhiều người trân quý cựu TNXP Quách Thị Vang, đó là bà không chỉ dũng cảm, can trường trong chiến đấu mà trở về với đời thường, bà còn là công nhân năng động, sáng tạo và luôn đi đầu trong các phong trào thi đua ở công ty. Trong gia đình, bà là người vợ tần tảo, hết lòng thương yêu, chăm sóc chồng, con và chu toàn với bố mẹ chồng, các em của chồng.

Bà Vang kể: Năm 1979, qua mai mối của người quen, tôi biết đến thương binh Đinh Xuân Thịnh (quê ở Khánh Cư), là thương binh nặng, bị mất 81% sức khỏe khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trở về từ chiến trường với nhiều thương tật trên đầu, sức khỏe giảm sút, ông Thịnh được đơn vị cho nghỉ an dưỡng ở Đoàn 581. “Khi tôi quyết định đến với ông Thịnh, cũng có không ít người bàn ra do lo ngại tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của ông còn quá nhiều khó khăn khi phải chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ già và 4 em nhỏ. Nhưng tôi quý ông Thịnh ở sự thật thà, dũng cảm và luôn biết quan tâm, chia sẻ với đồng chí, đồng đội, anh em, bạn bè. Năm tháng qua đi, tình yêu của chúng tôi lớn dần và chúng tôi đã, đang không ngừng cố gắng để vun đắp tổ ấm gia đình. Đó là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được, đặc biệt với những người nữ cựu TNXP như tôi”.

Đến thăm gia đình cựu TNXP Quách Thị Vang và thương binh Đinh Xuân Thịnh chúng tôi nhận thấy đó là nếp nhà sạch sẽ, gọn gàng, đậm chất lính. Niềm hạnh phúc lớn lao của ông bà là đã sinh hạ được 3 cô con gái ngoan, trưởng thành, có hiếu với ông bà, cha mẹ. “Tôi luôn dạy con cháu biết trân trọng cuộc sống hòa bình, vươn lên sống có ích để xứng đáng với thế hệ cha anh”- bà Vang nói.

Với mong muốn tạo mối liên hệ chặt chẽ với những người đồng đội năm xưa, bà Vang tham gia Chi hội trưởng Hội TNXP xã Khánh Cư, được bầu vào BCH Hội cựu TNXP Yên Khánh và được bầu làm Trưởng ban liên lạc nữ chiến sỹ bộ đội Trường Sơn và nữ cựu TNXP huyện Yên Khánh. Bà Vang cho biết: Vào những dịp lễ lớn, anh chị em cựu TNXP lại tề tựu bên nhau trong ngày gặp mặt, cùng ôn lại một thời gian lao mà anh dũng. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh nhưng những cựu TNXP hôm nay vẫn luôn giữ vững truyền thống của những chàng trai, cô gái TNXP năm xưa, vẫn nhiệt tình, sống thủy chung, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội và luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo.

 

Nguồn tin: Báo Ninh Bình