Chị Quách Thị Thêu làm kinh tế giỏi

Với ý chí quyết tâm làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, chị Quách Thị Thêu, sinh năm 1992, hội viên phụ nữ Chi hội Tân Phú, xã Kỳ Phú đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, nhờ sự nỗ lực cố gắng, biến khó khăn thành lợi thế. Đến nay, mô hình của chị đã đem lại hiệu quả cao.
Chị Quách Thị Thêu làm kinh tế giỏi
Trò chuyện với chúng tôi, chị Thêu chia sẻ: Là một hội viên phụ nữ bản thân tôi không ngừng học tập, rèn luyện, vận động anh em, gia đình và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của bản làng và của hội phụ nữ các cấp. Tham dự đầy đủ các kỳ sinh hoạt cũng như các phong trào, hoạt động do chi hội phụ nữ và xã tổ chức. Tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như hiến đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà ở, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường...

Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, với nhận thức và tư duy của tuổi trẻ và ý chí quyết tâm cao, chị đã tích cực tìm hiểu, học tập, nghiên cứu các mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo để vận dụng vào điều kiện thực tế của gia đình. Do đặc điểm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồi núi, sản xuất nông nghiệp nhất là vụ mùa hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ thiên nhiên nên gặp nhiều khó khăn và hiệu quả kinh tế không cao. Với mong muốn và khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, sau nhiều trăn trở, chị đã bàn bạc với chồng mạnh dạn đề xuất vay vốn phát triển kinh tế từ hội phụ nữ.

Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể trong Bản, trong xã và đặc biệt là được Hội phụ nữ đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho vay số tiền 90.000 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình chị đã đầu tư để chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay gia đình chị đã nhân rộng mô hình chăn nuôi với 17 con bò mẹ. Ngoài ra, chị còn nhận thầu đất để canh tác, đưa các cây, con giá trị cao vào trồng trên đất đồi. Trong đó, có 0,5 ha đất trồng dứa, 1ha đất trồng mía, 1 ha trồng keo. Để thuận tiện trong khâu làm đất, gia đình chị sắm một chiếc máy cày để phục vụ sản xuất cho gia đình và làm dịch vụ cho bà con trong xã. Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chăn nuôi, vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay mô hình kinh tế tổng hợp đã đem lại lợi nhuận khá cao. Sau khi trừ chi phí bình quân mỗi năm gia đình chị thu lãi từ 300-350 triệu đồng. Không chỉ trả hết số tiền vay từ Ngân hàng, năm 2021 gia đình chị còn xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi hiện đại và lo cho các con học hành chu đáo.

Đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng lên, bản thân chị có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ của chi hội và thôn bản vào mỗi dịp lễ, Tết, qua đó góp phần giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Tác giả bài viết: Hội LHPN huyện Nho Quan