Chị Nguyễn Thị Oanh: Năng động trong phát triển kinh tế, nhiệt tình với công tác Hội

Chị Nguyễn Thị Oanh, Chi hội trưởng xóm 2 Đông Thôn (xã Yên Thái) được các cấp Hội Phụ nữ huyện Yên Mô đánh giá là một trong những cán bộ nhiệt tình, mẫn cán với công tác Hội và phong trào thi đua của phụ nữ ở cơ sở. Không những thế, chị còn được nhiều chị em trong thôn nhắc đến với niềm tự hào về một phụ nữ nông thôn có tư tưởng tiến bộ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám vượt qua khó khăn để vươn lên khẳng định mình, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Theo giới thiệu của Hội LHPN huyện Yên Mô, chúng tôi đến thăm Tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do chị Nguyễn Thị Oanh làm tổ trưởng. Cũng như nhiều tổ hợp tác sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, những người tham gia làm nghề đa phần là chị em phụ nữ. Chị Oanh vui vẻ cho biết: Nghề đan lát vốn cần sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn. Mà điều này, chị em hơn hẳn cánh đàn ông. Hơn nữa, công việc tuy thu nhập không cao nhưng lại giải quyết việc làm lúc nông nhàn, giúp chị em có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống... “Hiệu quả kép” như vậy nên nhiều chị em đã quen và gắn bó với nghề hơn, tôi cũng rất phấn khởi. Câu chuyện đưa nghề phụ về với làng quê Yên Thái giữa chúng tôi và chị Oanh trở nên rôm rả hơn khi chị cho biết, chị đã phối hợp với một số chị em trong xã để thành lập hợp tác xã Phú Quang nhằm đưa các sản phẩm của hợp tác xã cũng như các sản phẩm thế mạnh khác của địa phương vươn ra thị trường rộng lớn hơn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ.

Thế nhưng, để có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết chị Oanh đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Chị kể: Trước đây, gia đình tôi làm nghề xay xát, kinh doanh lúa, gạo, ngô. Năm 2008, do chồng bị bệnh nặng, sức khỏe yếu nên gia đình tôi không thể tiếp tục duy trì được. Cuộc sống gia đình tưởng như rơi vào bế tắc. Không nản chí, tôi quyết định phải tìm được một nghề phù hợp với bản thân. Qua bạn bè, tôi biết đến nghề đan cói tại Kim Sơn, tôi quyết định đi học nghề. Sau khi học nghề và làm thành thạo, tôi đã vận động những người thân trong gia đình và một số chị em cùng xóm tham gia làm nghề. Khi chị em đã có tay nghề và có thu nhập ổn định, tôi cùng các chị tiếp tục tuyên truyền, vận động các chị em khác cùng làm để mở rộng tổ hợp.

Chị Oanh cho biết: Quá trình khởi nghiệp, tôi may mắn được Hội Phụ nữ xã bảo lãnh giúp tôi vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Hội LHPN tỉnh, Chi hội phụ nữ Đông Thôn cũng giúp tôi vay 5 triệu đồng không lấy lãi để có vốn lưu động cho tổ hợp hoạt động và kịp thời thanh toán lương cho chị em. Cầm số tiền mà các cấp Hội Phụ nữ cho vay, tôi rất phấn khởi và tự nhủ mình phải sử dụng hiệu quả, không phụ sự tin tưởng của tổ chức Hội và chị em phụ nữ.

Để khắc phục những yếu kém trong quản lý cũng như để bắt kịp với sự thay đổi mẫu mã từ yêu cầu thị trường, chị Oanh đã tìm đến các doanh nghiệp lớn để học hỏi. Trong quản lý, chị thực hiện phương châm “Tận tình, chu đáo, trả lương đúng hạn”, do vậy tổ hợp của chị Oanh không ngừng phát triển. Ngoài ra, để mở rộng tổ hợp, chị đi sang các xã Yên Thành, Yên Thắng để truyền nghề cho các chị em có nhu cầu. Từ năm 2009 đến nay, chị Oanh đã kết nối, phối hợp với Công ty Mai Long, Công ty ánh Hồng mở 9 lớp dạy nghề cho 120 người. Đến nay, tổ hợp của chị Oanh đã tạo việc làm cho khoảng 180 lao động tại địa phương và các xã lân cận, trong đó lao động thường xuyên là 70 người, lao động theo thời vụ là 50 người với mức thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 1 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Đông Thôn, chị Oanh tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia các phong trào thi đua của Hội cũng như ở địa phương, như: Cuộc vận động gia đình “5 không, 3 sạch”; tham gia thu gom rác thải, dọn vệ sinh đoạn đường phụ nữ tự quản; tham gia xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “cán bộ Hội là những người gương mẫu đi đầu”, chị Oanh đã cùng BCH Chi hội phụ nữ Đông Thôn đăng ký mô hình “Dân vận khéo” với Hội Phụ nữ xã. Theo đó, Chi hội đã phối hợp với HTX Đông Thôn vận động chị em trồng các cây có giá trị kinh tế ngắn ngày như cây đậu tương, rau, hành hoa xuất khẩu... Bên cạnh đó, Chi hội còn mượn đất của các hộ không có lao động để trồng cây vụ đông, cấy lúa... tạo thu nhập để gây Quỹ hội. Ngoài ra, để giúp hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, nuôi con ăn học, chị nhiệt tình tư vấn giúp chị em trong thôn được tiếp cận nguồn vốn, vận động các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, số vốn mà Tổ vay vốn của chi hội đang quản lý đạt 2,8 tỷ đồng, giúp 59 hộ vay. Từ nguồn vốn này, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.

Chị Oanh tâm sự: Tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ đến nay tròn 22 năm, trong đó có 8 năm được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, tôi rất vui và nhận thấy để làm tốt vai trò của người cán bộ chi hội thì trước hết bản thân phải luôn gương mẫu, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau đó, phải hỗ trợ, giúp đỡ chị em trong chi hội. Do vậy, tôi chưa bao giờ cho phép mình lùi bước trước những khó khăn. Tôi không có nhiều tham vọng, chỉ mong sao, thời gian tới đây HTX Phú Quang phát triển, chị em sẽ có thêm nhiều việc làm và cuộc sống của hội viên, phụ nữ sẽ được cải thiện hơn...

 

Tác giả bài viết: Mai lan

Nguồn tin: Báo Ninh Bình