Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc

“Hỗ trợ phụ nữ có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa” là hoạt động thường xuyên của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh từ nhiều năm nay. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực của các cấp Hội phụ nữ trong thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thông qua hoạt động cũng khẳng định vai trò của Hội phụ nữ trong đời sống hội viên phụ nữ và trong hệ thống chính trị ở địa phương.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Gia Viễn. Ảnh: Trường Giang
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Gia Viễn. Ảnh: Trường Giang

Để nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp, có lối sống văn hóa. 
Đặc biệt, các cấp Hội phụ nữ đã tập trung triển khai hiệu quả việc thực hiện Đề án 343 và Đề án 704 của Chính phủ, Dự án “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” gắn với thực hiện các cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”. 

Quá trình triển khai, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành như: Công an, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa, Nông nghiệp & PTNT, Lao động, Thương binh & Xã hội để tuyên truyền nâng cao kiến thức chăm sóc, giáo dục con theo khoa học, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, an toàn thực phẩm, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội...

Nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội tích cực vận động, khai thác nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm. Điểm mới là, trong những năm gần đây, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, các cấp Hội phụ nữ đã quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển trang trại, gia trại, liên kết sản xuất, tổ hợp tác sản xuất theo mô hình sản xuất hàng hóa, qua đó góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng cũng như phát huy tối đa nội lực của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ. 

Đến nay, Hội đang nhận ủy thác trên 1.900 tỷ đồng từ các ngân hàng, giúp trên 46.100 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo. 

Ngoài việc giúp nhau về vốn, để chị em có điều kiện tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với ngành nông nghiệp, các HTX nông nghiệp, các doanh nghiệp tổ chức 3.138 lớp dạy nghề cho hàng nghìn lượt lao động nữ. 

Điều đáng nói là hoạt động chuyển giao KHKT được tổ chức thường xuyên ở 100% cơ sở, trên 70% chi hội sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp chị em, nhất là phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho phụ nữ.
Trong quá trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm tạo điều kiện giúp phụ nữ nghèo. Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất để tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên. 

Tiêu biểu, Hội LHPN tỉnh phối hợp đề xuất với HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 1,816 tỷ đồng cho 9.080 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn tại 51 xã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh thuộc Dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra- Choba” do Tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ. 

Ngoài ra, Hội còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo, tân binh lên đường nhập ngũ; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng mái ấm tình thương”, đã vận động hỗ trợ xây dựng 173 mái ấm tình thương cho các gia đình chính sách, gia đình công giáo, dân tộc Mường, phụ nữ nghèo khó khăn về nhà ở.
Các cấp Hội thường xuyên vận động phụ nữ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hành tiết kiệm, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phụ nữ Ninh Bình cũng là một trong những lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh thông qua các phong trào như: “3 sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, tuyến đường, tuyến phố, đoạn sông, đoạn suối tự quản... 

Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình đã có thùng, sọt đựng rác thải riêng, thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa và dọn vệ sinh chung vào ngày thứ bảy hàng tuần, chủ động trồng cây xanh...
Đặc biệt, các phong trào “5 không, 3 sạch”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo chị em tham gia. 

Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện, bình xét gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt các chương trình KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong đó chú trọng giáo dục cho các bà mẹ về kiến thức nuôi dạy con, nhất là lứa tuổi vị thành niên.

Cụ thể hóa các hoạt động trợ giúp phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là thông qua các chương trình của Hội đã giúp bản thân phụ nữ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội; tự tin, phấn đấu học tập, lao động sáng tạo và tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động Hội.

Nguồn tin: Báo Ninh Bình