Quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nữ

Những năm qua, công tác cán bộ nữ đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng ở 3 cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước; cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt các cấp được tăng cường... Tuy vậy, so với yêu cầu thực tế, công tác cán bộ nữ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và cần phải có những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục. Trong đó, ngoài việc trao và tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ thì việc xóa bỏ những rào cản “định kiến giới” không chỉ trong gia đình, xã hội mà ngay cả trong chính bản thân phụ nữ được xem là yếu tố tiên quyết để phụ nữ khẳng định mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “Công tác cán bộ nữ” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức.
Đại diện Câu lạc bộ Cán bộ nữ tỉnh Ninh Bình tặng quà cho cán bộ nữ tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Khánh Thành (Yên Khánh). Ảnh: Thế Minh
Công tác cán bộ nữ vẫn còn nhiều khó khăn

Hiện toàn tỉnh có 27.090 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó nữ có 18.264 người, chiếm tỷ lệ 67,4%. Nhằm trao đổi, tìm giải pháp phát triển đội ngũ nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo, trọng tâm là nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 6/3, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tọa đàm về công tác cán bộ nữ. Tham dự tọa đàm, nhiều đại biểu đại diện Thường trực các huyện, thành ủy, lãnh đạo một số sở, ngành khẳng định: Trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã quan tâm làm tốt công tác cán bộ nữ, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch đến đề bạt, bổ nhiệm... Do đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cả 3 cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước (cấp tỉnh đạt 15,7%, cấp huyện đạt 20,1%, cấp xã đạt 18%); tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV là 16,7%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND tỉnh đạt 20%, cấp huyện 30,5% và cấp xã 25%. Cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt các cấp được tăng cường, đã có 29 nữ trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương cấp tỉnh, 11 nữ là Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND huyện; trên 30 nữ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã...

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác cán bộ nữ của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế: Tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý còn chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ. Có 41 xã, phường, thị trấn chưa đạt 15% nữ cấp ủy. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã chưa đạt chỉ tiêu 30%. Có cơ quan có nhiều lao động nữ (30% trở lên) nhưng chưa có nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Số lượng nữ cán bộ lãnh đạo khối quản lý nhà nước còn ít, nhất là các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật. Cán bộ nữ chủ yếu là cấp phó; công tác trong cơ quan Đảng, đoàn thể, lĩnh vực văn hóa xã hội. Cơ cấu nữ đại biểu HĐND các cấp do bố trí gắn với cơ cấu khác nên có nữ đại biểu HĐND chưa thực sự đại diện cho giới nữ; tiếng nói, vai trò quyết định của một số ít cán bộ nữ còn hạn chế... Sự khác biệt này dẫn đến hạn chế phát huy khả năng của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực công tác, nhất là việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, phát triển đội ngũ cán bộ nữ nói riêng.

Đâu là nguyên nhân?

Với tinh thần thẳng thắn, chia sẻ, nhiều đại biểu cho rằng, hiện công tác cán bộ nữ gặp khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do những vướng mắc xuất phát từ thể chế và những thách thức mang tính văn hóa vẫn còn tồn tại. Đồng chí Lã Trường Sinh, Bí thư Huyện ủy Nho Quan cho biết: Thực tế, trong các khâu của công tác cán bộ nữ từ: tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ... thì gần như chưa có quy định nào cụ thể ưu tiên cho cán bộ nữ.

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Lê Xuân Minh, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn cho rằng: Trong khi xã hội và các luật, chính sách chưa thực sự ủng hộ, khuyến khích nữ giới phát triển chuyên môn và làm lãnh đạo thì chính nữ giới nhiều khi cũng tự ràng buộc mình bởi những quy định khắt khe của những thách thức mang tính văn hóa vốn tồn tại từ lâu như “tam tòng, tứ đức”, “nam ngoại, nữ nội”...

“Định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội. Quan niệm cho rằng nam giới độc lập, mạnh mẽ, có năng lực, trong khi phụ nữ gắn với việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, gia đình, ít có thời gian cho công việc và khả năng xử lý tình huống công việc kém hơn nam giới”- đồng chí Phạm Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Khánh chia sẻ những khó khăn trong quá trình tham mưu, hỗ trợ phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Tiếp cận ở góc độ khác, đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Bí thư Huyện ủy Yên Mô cho rằng, những thách thức mang tính thể chế đang là rào cản khiến cho công tác cán bộ nữ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như chính sách về tuổi quy hoạch, tuổi nghỉ hưu. Theo Quy định số 01 ngày 29/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quản lý yêu cầu: “phải có trình độ đại học và tương đương trở lên. Đối với cán bộ dưới 45 tuổi (tính theo tháng tại thời điểm bổ nhiệm) phải tốt nghiệp đại học chính quy, nếu tốt nghiệp đại học tại chức phải có bằng sau đại học trở lên, phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực công tác”. Như vậy theo quy định này đang áp dụng chung cho cả nam – nữ. Trong khi đó, Bộ luật Lao động hiện hành quy định độ tuổi nữ 55 tuổi nghỉ hưu, nếu chúng ta quy định như trên thì gây khó khăn cho công tác quy hoạch cán bộ nữ- đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần nói.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, nhận thức của một số cấp uỷ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn chưa đầy đủ; còn biểu hiện coi nhẹ, thiếu quan tâm công tác cán bộ nữ, do đó chưa quan tâm phát hiện, tạo nguồn quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa chủ động phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố nổi bật, xuất sắc trên các lĩnh vực để xem xét, đề bạt.

Cần những giải pháp đột phá, đồng bộ

Khắc phục những khó khăn trên, nhiều đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mang tính đột phá và cần phải được triển khai một cách đồng bộ. Đồng chí Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình đưa ra quan điểm: Để công tác cán bộ nữ của tỉnh nói chung, công tác cán bộ nữ ở thành phố nói riêng có những bước đột phá thì đòi hỏi sự vào cuộc, quyết tâm của cả 3 thành phần trụ cột, đó là: cấp ủy, chính quyền các cấp; các cấp Hội Phụ nữ và sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân đội ngũ cán bộ nữ.

Để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, ảnh hưởng đến công tác cán bộ nữ, nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo gắn với sử dụng cán bộ nữ. Đồng chí Lã Trường Sinh kiến nghị: Đảng, Nhà nước cần có quy định rất cụ thể từng khâu trong công tác cán bộ, trong đó cần có những điều khoản cụ thể hóa ưu tiên cán bộ nữ. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cũng cần có sự vận dụng linh hoạt trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm...

Những bất cập liên quan đến thể chế được các đại biểu tham gia tọa đàm kiến nghị sửa đổi, đó là hiện những quy định về phân loại công chức cấp huyện, cấp xã... gây khó khăn cho công tác luân chuyển cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Do đó, Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu vấn đề liên thông công chức, liên thông giữa cấp xã với cấp huyện, liên thông giữa khối Đảng với chính quyền, đảm bảo công tác luân chuyển cán bộ được thuận lợi.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là cần phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt tỷ lệ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35 - 40%, tỷ lệ nữ mới được kết nạp vào Đảng đạt 60%, cơ quan có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên nhất thiết phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ... Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh đề nghị tăng cường công tác cán bộ nữ: cần nâng cao nhận thức, quan điểm của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là của người đứng đầu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới một cách rộng rãi, thường xuyên, liên tục. Cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị cần có chương trình, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, coi đây như là một chỉ tiêu “pháp lệnh” kiên quyết phải đạt được và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về chỉ tiêu này. Hàng năm cần rà soát, bổ sung quy hoạch đảm bảo số lượng, chất lượng nhân sự nữ gắn với đào tạo, sử dụng; kiên trì, bền bỉ, kiên quyết trong tạo nguồn, phát hiện nhân tố tích cực, có triển vọng, cán bộ nữ trẻ để chuẩn bị nguồn cho nhiệm kỳ tới. Thực hiện tốt công tác cán bộ nữ, tiến tới thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải pháp lâu dài, đó là phải làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ những rào cản “định kiến giới” không chỉ ở xã hội, trong gia đình mà quan trọng là ở chính bản thân mỗi phụ nữ.

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Nguồn tin: Báo Ninh Bình