Phòng chống bạo lực gia đình.

Trước khi bước vào hôn nhân, ai cũng muốn có một gia đình yên ấm, cơm dẻo canh ngọt, thuận vợ thuận chồng, sống đến đầu bạc răng long. Nhưng trong thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mà người chồng đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người đã từng đầu gối tay ấp bao năm. Đó chính là bạo lực gia đình.

 

Hình minh họa: An Ninh Thủ Đô

 

Hình minh họa: An Ninh Thủ Đô

 

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là thuật ngữ dùng để chỉ các hành vi bạo lực giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Hành vi bạo lực thường thấy nhất là giữa chồng với vợ. Nạn nhân của bạo lực thân thể thường là phụ nữ. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, mọi nền văn hoá, không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo, trình độ học vấn cao hay thấp. Những hành vi bạo lực gia đình gây ra để lại nhiều tổn hại đối với cộng đồng xã hội, đặc biệt đối với nạn nhân bị bạo hành. Bạo lực gia đình là một thực trạng xã hội, nó bao gồm nhiều hình thức kể cả bạo hành về thể xác và tinh thần, lẫn cưỡng bức xâm hại tình dục.

Biểu hiện của BLGĐ thường thấy nhất là những hành vi thô bạo của người chồng đối với vợ. Có khi người đàn ông vô cớ đánh chửi hoặc xâm hại sức khoẻ của người thân (thường do thua bạc, ghen bóng ghen gió, tư tưởng trọng nam khinh nữ bắt vợ phải đẻ bằng được con trai…). Có những khi biểu hiện bằng việc xâm hại tình dục, cưỡng bức, ép quan hệ khi vợ ốm đau hoặc có lý do về sức khoẻ, tâm sinh lý. Đôi khi là bạo lực tinh thần: thường là sự đay nghiến chì chiết về một lỗi lầm nào đó trong quá khứ, hoặc vì không làm ra tiền mà bị coi khinh. Những kiểu bạo hành này thường thấy ở típ người coi trọng của cải đồng tiền hơn tình cảm.

Có rất nhiều nguyên nhân của bạo lực gia đình:

BLGĐ nảy sinh do nhận thức về giới và sự bình đẳng giới còn hạn chế. Cũng có khi do quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ”, tư tưởng gia trưởng, gia quyền còn nặng. Ở một vài trường hợp là do sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước nạn bạo hành gia đình còn hạn chế, thiếu thẳng thắn, thiếu tự tin, cam chịu. Hoặc có thể do trình độ học vấn, năng lực nghề nghiệp, đặc biệt là tình trạng chênh lệch về nghề nghiệp giữa vợ và chồng là một trong những yếu tố gây nên nạn bạo hành trong gia đình. Đôi khi năng lực tự chủ tài chính của người đàn ông trong gia đình bị hạn chế, hình thành ở họ tư tưởng tự ty, hẹp hòi… cũng là nguyên nhân gây nên nạn bạo hành gia đình đối với người phụ nữ. Ngoài ra còn do tác động của các chất kích thích, của men bia, rượu, ma túy, của thói trăng hoa...

Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là do tư tưởng coi khinh phụ nữ được truyền từ nhiều thế hệ. Họ coi người phụ nữ ngoài nhiệm vụ chăm lo, duy trì tổ ấm còn luôn phải phục tùng nam giới . Nạn nhân của BLGĐ không chỉ là phụ nữ mà còn cả trẻ em. Đôi khi người chồng muốn tỏ rõ sự “oai phong” khi “dạy vợ”. Nạn thất nghiệp, vô công rồi nghề của chồng cùng với thói gia trưởng rất dễ dẫn đến “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mỗi khi “chán đời”. Có những chị đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền nuôi cả nhà mà vẫn bị chồng đánh đập “cho thoả nỗi tù túng, “chặn trước” để vợ khỏi lên mặt khi mình là người “ăn bám”…

Chị em nín nhịn cũng góp phần làm gia tăng bạo lực gia đình. Có nhiều chị không dám phản ứng ngay từ lần đầu tiên, để chồng “được đằng chân, lân đằng đầu”. Đôi khi người vợ không dám lên tiếng chỉ vì “xấu chàng hổ ai” nhẫn nhịn quá, nuôi tính gia trưởng hiếu thắng của chồng. Có những chị sợ bị người ngoài dị nghị rằng “có hư hỏng thì chồng mới đánh” nên bưng bít giấu diếm, thậm chí người ngoài có hỏi vết thương tích, còn nói tránh là bị ngã, bị va đập vào cửa…. Cũng có khi người chồng ngoại tình về đánh chửi ruồng rẫy vợ. Tệ hại hơn nữa: khi trước còn hàn vi, vợ chồng thương yêu nhau, đến khi người chồng thăng tiến, thấy có sự chênh lệch ruồng rẫy vợ mà không nghĩ đến những lúc khó khăn rau cháo có nhau, vợ đã từng là hậu phương vững chắc giúp chồng tiến thân.

Hậu quả của BLGĐ:

Bạo lực gia đình có ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thể chất của người phụ nữ, có những trường hợp dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy không ít các trường hợp bệnh nhân nhập viện vì chấn thương do các tác nhân bạo lực gia đình gây ra, có những trường hợp rất man rợ và đáng thương tâm.

Nhiều vụ ly hôn ra toà là nguyên nhân của nạn bạo hành gia đình. Hậu quả ngoài hai người trong cuộc gánh chịu thì trẻ em cũng là đối tượng bị tổn thương rất nhiều khi bố mẹ chia tay.

Phụ nữ là những đối tượng nhạy cảm, vì vậy, các triệu chứng trầm cảm, stress mạnh, nguy hại hơn là sự suy giảm thần kinh đã trở thành bệnh là những di hậu của nạn bạo hành gia đình. Không chỉ thế, người phụ nữ còn là đối tượng hứng chịu những tổn hại về sinh lý dưới tác động của hành vi bạo lực về tình dục. Đồng thời, phụ nữ - nạn nhân bạo lực gia đình - sẽ giảm năng suất lao động, giảm khả năng tạo thu nhập và việc làm.

Trong những năm qua, vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, trong quan hệ gia đình, phụ nữ vẫn là những nạn nhân chính của bạo lực gia đình. Có cả trường hợp nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện vẫn còn bị nhận những lời đe dọa về tinh thần và tính mạng.

Cần chung tay đấu tranh với BLGĐ

Trước những hậu quả để lại khá nghiêm trọng của nạn bạo hành gia đình, năm 2007, Nhà nước ta đã ban hành Luật phòng chống bạo hành gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn BLGĐ vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Có thể là do một bộ phận người Việt Nam chúng ta vẫn coi đây là vấn đề riêng tư, mang tính chất gia đình thuần túy, nên người phụ nữ chịu tác động của nạn bao hành vẫn còn đơn độc. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về hành vi bạo lực gia đình, sự tham gia của cộng đồng còn hạn chế, chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên. Để ngày càng giảm thiểu thấp nhất nạn bạo lực gia đình, rất cần mọi người chung tay giải quyết và nhận thức được rằng đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt Hội phụ nữ, thì tác nhân gây bạo lực gia đình cần được giáo dục và đi đến nhận thức được rằng nạn bạo hành gia đình là vấn đề mang tính xã hội. Không nên coi đây là chuyện riêng tư của từng gia đình mà đó là vấn nạn bức xúc của xã hội. Vì thế, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Bên cạnh đó, rất cần những mái nhà chung, những địa chỉ tin cậy để giúp người bị BLGĐ tìm đến lánh nạn và được khuyên nhủ tư vấn nhằm giúp họ yên tâm đoàn tụ với gia đình.

Riêng đối với nạn nhân bạo lực gia đình cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, với các lực lượng, đoàn thể xã hội để giải quyết vấn nạn xã hội này. Chị em cũng cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, đặc biệt kiến thức gia đình, làm đẹp bản thân và nuôi dạy con cái. Chú ý đến kiến thức pháp luật, tìm hiểu Luật phòng chống bạo lực gia đình. Khi bị bạo hành không nên nín nhịn, bưng bít mà cần tìm đến cơ quan tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, của hàng xóm, các ban ngành đoàn thể để can thiệp kịp thời.

Trước khi bước vào hôn nhân, ai cũng muốn có một gia đình yên ấm, cơm dẻo canh ngọt, thuận vợ thuận chồng, sống đến đầu bạc răng long. Nhưng trong cuộc sống “cơm áo gạo tiền” mới nảy sinh nhiều vấn đề mà người trong cuộc không khéo léo xử trí sẽ rất dễ dẫn đến BLGĐ. Nếu mỗi chúng ta - đặc biệt chị em phụ nữ - không tự cứu lẫy mình thì vô tình đã tiếp tay cho nạn BLGĐ hoành hành ngay trong chính tổ ấm của chúng ta.

Để đẩy lùi BLGĐ, mỗi cá nhân và cả cộng đồng hãy góp phần xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, văn minh. BLGĐ sớm được đẩy lùi hay không, ngoài sự chung tay góp sức của xã hội và cộng đồng, chị em phụ nữ cũng cần nhận thức rõ vai trò tự cứu mình. Gia đình là tế bào của xã hội. Chị em hãy tạo ra nhiều “tế bào” tốt để có một xã hội không còn bạo lực gia đình. Đó không chỉ là ước mơ của chúng ta mà còn là khát khao cháy bỏng của trẻ thơ.


Nguồn tin: báo Dân trí