Nữ điều dưỡng tận tâm với nghề

Mới gần 4 năm gắn bó với công việc điều dưỡng tại Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô nhưng bằng sự vững vàng về nghiệp vụ, sự tận tâm với nghề và đặc biệt là tình yêu thương dành cho những người bệnh đặc biệt…, nữ điều dưỡng Lại Thị Thúy đã dành được sự tin tưởng, yêu mến của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm và những người bệnh.
Chúng tôi về thăm Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô vào những ngày cuối tháng 2. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, nữ điều dưỡng Lại Thị Thúy hướng dẫn từng tốp bệnh nhân nữ nhẹ nhàng làm phần việc của mình. Tốp thì phân loại đám rau cải vừa mới thu hoạch, tốp thì quét sân vườn, tốp thì dọn cỏ trong vườn hoa… làm việc luôn tay, song trên gương mặt bệnh nhân, ai cũng lộ rõ sự khoan thai, nhẹ nhàng.

Tranh thủ trò chuyện với nữ điều dưỡng Lại Thị Thúy được biết, chị sinh ra ở huyện Yên Mô. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Ninh Bình, chị Thúy về nhận công tác tại Trung tâm Phục hồi chức năng thâm thần Yên Mô. Những ngày đầu làm việc với các bệnh nhân “đặc biệt” này, chị Thúy không khỏi e ngại, bởi điều dưỡng là phải chăm sóc cho bệnh nhân từng bữa ăn, giấc ngủ, cắt tóc, tắm gội cho bệnh nhân, thậm chí là bệnh nhân nam. Do bệnh nhân tâm thần thường vô thức, nên việc khám bệnh, điều trị, chăm sóc cho họ là vô cùng vất vả. 

Để điều trị có hiệu quả, ngoài các vấn đề về chuyên môn thì yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50%. Nhiều khi người điều dưỡng phải “hóa thân” để cùng cười, nói, tâm sự cùng người bệnh. Tuy không trực tiếp làm công tác khám bệnh, song người điều dưỡng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của người bệnh thông qua việc quan sát bệnh nhân khi ăn, ngủ, sinh hoạt… để kịp thời cung cấp cho bác sỹ những thông tin quan trọng khi chẩn đoán bệnh kèm theo cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh cấp.

Muốn vậy, người điều dưỡng phải thực sự sát sao, tỉ mỉ trong việc chăm sóc người bệnh, có như vậy mới phát hiện những biểu hiện bất thường từ người bệnh. “Nếu bệnh nhân tự nhiên ít ngủ, hoặc ăn ít hơn, thậm chí là nói ít hơn những ngày bình thường đều là những biểu hiện khiến người điều dưỡng phải lưu tâm. Bởi có thể đó là triệu chứng của những bệnh khác”- chị Thúy tâm sự.

Công việc bình thường đã vất vả, đối với các nữ điều dưỡng trẻ thì vất vả hơn bởi ngoài công việc, các chị còn gánh trên vai trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ. “Làm nghề như chúng tôi, để hoàn thành được nhiệm vụ thì sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía gia đình là đặc biệt quan trọng. Với tôi, từ khi lấy chồng, sinh con thì mọi việc đều nhờ cả vào bố mẹ chồng. Con nhỏ, nhưng vì nhiệm vụ, tôi phải đi sớm về muộn, nhiều hôm trực ở lại Trung tâm… nên mọi việc trong nhà phó thác cả cho chồng và bố mẹ. May mắn là con ngoan và bố mẹ chồng tôi rất tâm lý, hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh công việc của tôi” - chị Thúy nói. 

Công việc vui buồn là vậy, nhưng khi hỏi chị Thúy có bao giờ nản lòng hay muốn buông bỏ chưa thì chị cười hiền và nói: Càng gần người bệnh lại càng thấy thương họ, không bỏ mặc được. Bệnh nhân tâm thần cũng có những tâm tư, tình cảm không khác gì những người bình thường. Việc bệnh nhân nhớ những nhân viên điều dưỡng rồi chạy đi tìm khắp nơi khiến chị em cảm thấy ấm lòng.

Chia tay chúng tôi, chị Thúy cùng các nữ điều dưỡng khác tất bật chuẩn bị các khẩu phần ăn bữa trưa cho người bệnh. Quả thực, phải có lòng yêu nghề, yêu người lắm thì mới có đủ kiên nhẫn gắn bó với những bệnh nhân suốt ngày này qua tháng nọ. 272 bệnh nhân là từng ấy mảnh đời bất hạnh với đủ những tính cách, các loại bệnh tật khác nhau. Nhìn cách các chị chăm sóc cho từng bệnh nhân không khác gì người thân ruột thịt mới thấy hết trách nhiệm nghề nghiệp và tình người của những người thầy thuốc.

 

 


Tác giả bài viết: Nguyễn Hùng

Nguồn tin: Báo Ninh Bình