Kết quả 4 năm triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và đối thoại với cán bộ, hội viên theo quyết định của Bộ Chính trị

Sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217 - QĐ/TW và Quyết định số 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cấp Hội đã có thêm nhiều kinh nghiệm, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong việc thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.
Lãnh đạo Hội LHPN huyện Yên Khánh và đoàn giám sát làm việc với Công ty cổ phần May Yên Thành

Từ năm 2014, xác định đây là năm đầu tiên thực hiện các Quyết định, BTV Hội LHPN tỉnh và cấp huyện chú trọng, tập trung công tác quán triệt, triển khai, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp từ chi hội trưởng trở lên. Qua đó, giúp cán bộ Hội hiểu đúng, đầy đủ các quy định, quy trình về tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hội LHPN tỉnh biên soạn tài liệu sinh hoạt hội viên về một số nội dung cơ bản của các Quyết định, cấp phát tới 100% chi hội, tổ phụ nữ để tuyên truyền đến hội viên trong dịp sinh hoạt hội viên quý II/2014. Đồng thời, BTV Hội LHPN tỉnh ban hành Kế hoạch, Hướng dẫn triển khai thực hiện các Quyết định trong hệ thống Hội. Trên cơ sở đó, hằng năm, các cấp Hội xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội, đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ.

          Trong 4 năm, Hội LHPN tỉnh, cấp huyện và cơ sở đã tổ chức 48 cuộc giám sát 15 chính sách, pháp luật tại 8 huyện, thành phố, 36 cơ sở và 04 doanh nghiệp. Đã có 14 cuộc giám sát do Hội LHPN cấp cơ sở chủ trì thực hiện. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề liên quan đến tổ chức Hội, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, an sinh xã hội, như: Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị định 39/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ hỗ trợ đối với phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc các bộ, ngành, UBND các cấp tạo điều kiện cho các cấp Hội LHPN Việt Nam cùng cấp tham gia quản lý nhà nước; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; chính sách đối với lao động nữ, lao động trẻ em, BHYT hộ nghèo, cận nghèo và một số nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách cán bộ Hội cơ sở,…Sau giám sát, các cấp Hội có văn bản đề nghị đơn vị được giám sát, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng chính sách. Nổi bật là việc đề nghị thành công Công ty TNHH May Nien hsing thuộc khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh - Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng gần 4.000 lao động nữ xây dựng cabin vắt, trữ sữa phục vụ lao động nữ nuôi con nhỏ.

          Với mục tiêu phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp phụ nữ  đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, việc triển khai hoạt động của các cấp Hội thông qua tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội. Trong 4 năm, các cấp Hội tham mưu và tổ chức 21 cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo các cấp Hội với trên 3.500 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Trong đó, nổi bật là Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh với với Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở. Hội nghị được tỉnh đánh giá có chất lượng, tạo hiệu ứng tốt đối với các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước, vị thế của Hội được nâng lên. Hoạt động đối thoại của Hội thực sự đã tạo diễn đàn để cán bộ Hội, hội viên phụ nữ  bày tỏ tâm tư, tình cảm, những băn khoăn, vướng mắc với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Hội và các ngành, đơn vị chức năng; là dịp tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng, thống nhất hành động trong cán bộ, hội viên; là kênh để Hội tham mưu, đề xuất chính sách và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Điển hình, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ vợ liệt sĩ cho chị Bùi Thị Hoa, người dân tộc Mường, trú tại Bản Mét, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan được hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ hàng tháng và truy lĩnh số tiền gần 85 triệu đồng; đề xuất UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 938 và Đề án 939 của Chính phủ, cấp kinh phí thực hiện hằng năm, trong đó, có cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh cho phụ nữ vay để khởi nghiệp từ ngân sách Nhà nước,...

Công tác phản biện của các cấp Hội tập trung tham gia góp ý kiến vào dự thảo luật pháp, chính sách, chương trình , đề án của địa phương khi đơn vị soạn thảo có yêu cầu. Các cấp Hội đã đóng góp ý kiến vào 12 dự thảo luật, trong đó có các dự thảo luật sửa đổi có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bảo hiểm xã hội; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; nhiều dự thảo đề án, kế hoạch của UBND tỉnh có liên quan, như: Kế hoạch thực hiện Quyết định số 178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”; Kế hoạch về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” giai đoạn 2016-2020,... Một số ý kiến của Hội về vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, tổ chức Hội và lĩnh vực văn hóa - xã hội được cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa vào văn bản chính thức.

Bên cạnh những kết quả, các cấp Hội còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện công tác phản biện xã hội theo quy định. Các cấp Hội mới chỉ tham gia góp ý kiến vào dự thảo; chưa tổ chức thực hiện theo yêu cầu phản biện của cơ quan soạn thảo văn bản.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện, thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội LHPN trong tỉnh khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện đạt các chỉ tiêu: Mỗi đơn vị tổ chức giám sát ít nhất 01 chính sách, luật pháp; tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội có chất lượng ít nhất 01 dự thảo văn bản có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; tổ chức ít nhất 01 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp Hội với cán bộ, hội viên theo quy định.                                                                     

Tác giả bài viết: Đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh TUV, UV BCH Hội LHPN Việt Nam Chủ tịch Hội LHPN tỉnh