05:50 EDT Thứ ba, 19/03/2024

DANH MỤC

LIÊN KẾT ẢNH

Cổng thông tin Ninh Bình

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THĂM DÒ DƯ LUẬN

Thăm dò ý kiến: Nhận xét về giao diện của Trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

Đẹp và thân thiện, dễ đọc

Đẹp nhưng chưa thân thiện

Chưa đẹp nhưng khá thân thiện

Xấu và không thân thiện

Trang nhất » HLHPN-NB » TIN TỨC SỰ KIỆN

Làm gì để giảm mối lo khi sử dụng rau xanh?

Thứ hai - 30/05/2016 04:58

Việc sản xuất nông nghiệp sạch nói chung và rau sạch nói riêng hiện nay đang là yêu cầu cấp bách của toàn xã hội, vì sức khỏe cộng đồng và sự bền vững của môi trường. Rau sạch không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng mà còn vì lợi ích của người sản xuất. Vì vậy, ngành nông nghiệp và PTNT Ninh Bình và các địa phương đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nhanh chóng phát triển các mô hình sản xuất rau sạch.

 


Nông dân xã Yên Thắng, huyện yên Mô thu hoạch rau
 

Xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật mới cho rau an toàn
Trước hết xin giải thích rõ hơn về các khái niệm rau sạch, rau an toàn, rau VietGAP và rau hữu cơ. Rau an toàn (safe vegetable) là rau được sản xuất với công nghệ vẫn còn sử dụng hóa chất nông nghiệp nhưng hạn chế, hợp lý hơn và sản phẩm đến người tiêu dùng phải đảm bảo 3 chỉ tiêu an toàn về dư lượng NO3, kim loại nặng, dư lượng hóa chất BVTV, dư lượng vi sinh vật gây bệnh cho người không vượt mức cho phép và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ. 

Rau VietGAP là rau được sản xuất, chế biến với công nghệ sạch theo quy trình VietGAP được chứng nhận. ở loại này coi trọng cả tiêu chuẩn ATTP, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm tiêu thụ ở các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn cao cấp và xuất khẩu. 

Rau hữu cơ là rau được sản xuất với công nghệ hoàn toàn không sử dụng hóa chất nông nghiệp, trong môi trường sinh thái sạch và an toàn, sản phẩm tuyệt đối an toàn với người tiêu dùng, không có các dư lượng độc hại và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ. 

Còn từ “rau sạch” ở đây là để chỉ cả 3 loại rau: rau an toàn, rau VietGAP và rau hữu cơ. (Theo ông Trương Quốc Tùng, Phó Chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam).
Thực tế nhu cầu rau sạch hiện nay rất đa dạng nhưng nhìn chung nhu cầu rau sạch tiêu dùng phổ cập trong cộng đồng (RAT) vẫn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70-80% sản lượng) còn nhu cầu rau sạch cao cấp (rau VietGAP, rau hữu cơ) chỉ chiếm một phần nhỏ.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng rau sạch của đông đảo mọi người, phải có nhiều người biết làm và tham gia làm rau sạch, làm rau sạch tại từng nông hộ nhỏ, trên diện tích đại trà ngoài đồng ruộng, nhà lưới, nhà kính.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng: Về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, hiện chúng ta đặt ra cho loại rau an toàn đại trà quá cao, rập khuôn như rau VietGAP, phải đảm bảo cả chỉ tiêu về ATTP, vệ sinh môi trường, lao động, xuất xứ… là rất khó thực hiện, nhiều chi phí nên đến nay, diện tích được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn ở Ninh Bình khá khiêm tốn, chỉ vài chục ha.
 
Do vậy, thời gian tới cần xây dựng bộ tiêu chí khác, đơn giản tối đa về quy trình kỹ thuật sản xuất cũng như chứng nhận, chỉ cần trước hết là tiêu chuẩn ATTP để đông đảo nông dân có thể áp dụng. Đây là loại rau tiêu thụ rộng rãi ở các quầy rau sạch, các chợ hay khu chợ nông sản sạch có kiểm soát.

Tăng cường sự tham gia của các chủ thể   
 

Chương trình sản xuất rau sạch, rau VietGAP ở Ninh Bình đã được triển khai nhiều năm qua. Tuy nhiên kết quả còn nhiều hạn chế, chưa thành công, nhiều nơi, nhiều khi thất bại. Chính quyền các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện, khiến việc áp dụng quy trình này chưa rộng rãi, chủ yếu mới dừng lại ở bước xây dựng các mô hình. 

Người trồng rau phần lớn đã biết đến quy trình sản xuất rau an toàn thông qua các lớp tập huấn và qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa nhận thức được đầy đủ và chưa thực sự quan tâm đến sản xuất rau an toàn. Các đại lý vật tư nông nghiệp vẫn còn tình trạng tư vấn sai, trộn lẫn nhiều loại thuốc cùng một lúc, bán một số loại thuốc ngoài danh mục. 

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm, còn thiếu nhiều cửa hàng bán rau an toàn ở các khu đô thị, khu công nghiệp cũng như các chợ trung tâm. Đa phần rau an toàn ở các mô hình đều gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ…
Hiện, tổng diện tích gieo trồng rau đậu các loại hàng năm của Ninh Bình đạt khoảng 10.000 ha, sản lượng trên 141 nghìn tấn/năm nhưng diện tích được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn còn khá khiêm tốn, chỉ trên dưới 10 ha. 
Ngoài một số ít xã có diện tích chuyên canh rau củ quả có quy mô khá như Khánh Hồng, thị trấn Yên Ninh, Khánh Nhạc của huyện Yên Khánh; phường Ninh Sơn, Ninh Phúc của thành phố Ninh Bình, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô thì phần lớn vẫn đang sản xuất trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư từ kết cấu hạ tầng đến công tác hoạch định, chỉ đạo sản xuất.

Đang còn tồn tại những rào cản nhất định khiến các chủ thể ít tham gia vào việc sản xuất và tiêu thụ rau sạch. Do vậy, để phát triển rau sạch nhanh, bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh ta, thiết nghĩ thời gian tới ngành nông nghiệp và các địa phương cần sớm xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. 

Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách, chủ trương, khung pháp lý đối với việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh rau sạch theo hướng phát triển rau sạch cộng đồng.
Tổ chức rộng rãi mạng lưới kinh doanh rau sạch bao gồm siêu thị, quầy bán rau an toàn, chợ hoặc khu chợ bán rau an toàn với hình thức kinh doanh, bao bì đóng gói và giá cả phù hợp. Đây là công việc trọng tâm cần đầu tư vì hiện nay đang là rào cản chủ yếu đối với phát triển rau an toàn. 

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho nông dân và người tiêu dùng. Tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng và phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

Ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm rau, thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng, kịp thời truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục đối với các cơ sở sản xuất vi phạm. 

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc BVTV; giám sát việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón của người nông dân trong sản xuất; thực hiện giám sát cộng đồng đối với việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau trên địa bàn quản lý.

Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, ATVSTP trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2016, hai xã Khánh Thành của huyện Yên Khánh và Yên Thái của huyện Yên Mô được chọn để triển khai thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo ATVSTP.

Theo đó, một tổ công tác của Sở Nông nghiệp &PTNT bao gồm các thạc sỹ, kỹ sư có trình độ về cắm chốt tại địa bàn hai xã này nhằm hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất rau, thịt, thủy sản an toàn; nông dân cũng đã cùng nhau ký cam kết thực hiện đầy đủ để đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn, có sổ nhật ký theo dõi, ghi chép đầy đủ các thông tin trong quá trình sản xuất… 

Nếu mô hình này thành công, đây sẽ là cơ sở để các địa phương trong tỉnh nhân ra diện rộng, hình thành một cộng đồng sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng.

 

Tác giả bài viết: Hà Phương

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết mới hơn

Bài viết cũ hơn

 
an toàn cho pn trẻ em

LIÊN KẾT WEBSITE