22:28 ICT Thứ bảy, 20/04/2024

DANH MỤC

LIÊN KẾT ẢNH

Cổng thông tin Ninh Bình

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THĂM DÒ DƯ LUẬN

Thăm dò ý kiến: Nhận xét về giao diện của Trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

Đẹp và thân thiện, dễ đọc

Đẹp nhưng chưa thân thiện

Chưa đẹp nhưng khá thân thiện

Xấu và không thân thiện

Trang nhất » HLHPN-NB » HOẠT ĐỘNG HỘI

Phụ nữ Sơn Hà góp phần lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống

Thứ hai - 25/03/2019 14:34

Nghề mộc Quỳnh Phong, xã Sơn Hà (huyện Nho Quan) đã có từ lâu đời, đến những bậc cao niên trong làng cũng không biết chính xác nghề được hình thành từ bao giờ. Chỉ biết, mỗi người dân khi lớn lên đều biết rất rõ và thành thạo các công đoạn của nghề mộc, như chạm, đục, đẽo, đánh bóng, phun sơn... Và cứ từ đời này qua đời khác, nghề “cha truyền, con nối” được lưu giữ và phát triển thành nghề truyền thống và được công nhận làng nghề cấp tỉnh.

Phụ nữ xã Sơn Hà (Nho Quan) tham gia làm nghề mộc.

Phụ nữ xã Sơn Hà (Nho Quan) tham gia làm nghề mộc.

Trong sự phát triển của làng nghề, có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ trong làng. Bằng đôi tay khéo léo và tài hoa, họ đã cho ra đời các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ không chỉ đẹp mà còn rất bền, chắc, được khách hàng trong và ngoài tỉnh liên tục tìm đến xem, đặt hàng.

Bà Nguyễn Thị Muôn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, nên với bà, những âm thanh ồn ào, ầm ĩ như tiếng đục đẽo, cưa xẻ đã trở thành quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống. Giờ đây, với 40 năm gắn bó với nghề, bà Muôn có thể làm tất cả các công đoạn của nghề mộc, từ pha gỗ, tạo hình, chạm khắc, đục đẽo... đến đánh giấy giáp, phun sơn, lắp đặt sản phẩm... 

Bằng đôi bàn tay khéo léo, bà Muôn cùng những người thân trong gia đình sáng tạo ra những sản phẩm gỗ không chỉ đẹp mà còn rất tiện dụng, như tủ, sập, giường, tượng... Các sản phẩm gỗ nhiều khi như những tác phẩm nghệ thuật, được đôi tay và khối óc của người thợ “thổi hồn” vào đó những nét văn hóa truyền thống; hình ảnh cuộc sống qua những nét chạm trổ công phu, tỉ mẩn trên từng thớ gỗ, biến những khúc gỗ thô ráp, khô cứng trở thành những đồ gia dụng tiện lợi và đẹp mắt.

Đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Hà (huyện Nho Quan) cho biết: Thực tế, nghề mộc ở xã Sơn Hà phát triển ở tất cả các thôn, nhưng tập trung chủ yếu và nhiều hơn cả ở 2 thôn là Quỳnh Phong I và Quỳnh Phong II, nên được gọi chung là làng nghề mộc Quỳnh Phong. Hiện toàn xã có gần 200 hộ gia đình hội viên phụ nữ đang trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh gỗ. Các sản phẩm chính của làng nghề mộc Quỳnh Phong là mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ như sập, tủ chè, tủ thờ, giường, bàn ghế, cửa... 

Hiện ở mỗi xưởng mộc đều có phụ nữ tham gia làm nghề, trong đó đa số chị em tham gia vào những công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn như chạm khắc, chà nhám, đánh giấy ráp, véc ni, làm sạch các sản phẩm đã hoàn thiện...

Những năm trước, các hộ gia đình làm nghề thường sản xuất nhỏ lẻ, chuyên sản xuất các mặt hàng đơn giản, dễ làm, phục vụ sinh hoạt gia đình như giường, tủ, bàn, ghế…, lao động chủ yếu bằng thủ công. Nhưng vài năm gần đây, hầu hết các công đoạn sản xuất nặng nhọc đều được thay thế bằng các loại máy móc, từ đó, những người thợ có thời gian đầu tư công nghệ, đa dạng hóa, mở rộng và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng, sản phẩm, mẫu mã mới; quy mô sản phẩm cũng lớn hơn và có đường nét tinh xảo, thêm sự kết hợp giữa phong cách cổ truyền và hiện đại, theo đó giá trị sản phẩm ngày càng gia tăng, thu nhập người làm nghề tăng theo, thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển. 

Nhờ lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống, hiện 100% chị em phụ nữ trong làng nghề mộc đều có cuộc sống ổn định và khá giả, thu nhập bình quân đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao có thể đạt từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sơn Hà cho biết thêm, nghề mộc truyền thống Quỳnh Phong đang là nghề giúp cho phụ nữ nói riêng, người dân làng nghề trong xã nói chung có cuộc sống ngày càng đầy đủ, giàu có. Tuy nhiên, việc đầu tư và phát triển làng nghề cũng bộc lộ những hạn chế, như vấn đề về tiếng ồn, bụi bẩn, mùi sơn, nước thải ra môi trường. 

Những hạn chế này đòi hỏi ý thức của mỗi người làm nghề trong việc nỗ lực khắc phục, như áp dụng các phương tiện, máy móc mới vào quá trình sản xuất để giảm thiểu tiếng ồn, bụi bặm; chủ động thu gom, xử lý phế liệu, phụ phẩm trong quá trình sản xuất... đảm bảo môi trường làng nghề phát triển bền vững và giữ gìn sức khỏe cho chính những người gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

Về làng nghề mộc Quỳnh Phong hôm nay, sự sôi động, phát triển của làng nghề thể hiện rõ bằng những tiếng chuyện trò, bàn bạc về các đơn hàng mới nhận; sự sôi động của tiếng đục, mài, cưa và mùi thơm đặc trưng của các loại gỗ, mùi sơn... 

Dọc tuyến đường vào làng, nhiều gia đình có điều kiện đã tích trữ những khối gỗ lớn, làm nguyên liệu phục vụ cho việc làm nghề lâu dài, ổn định. Những ngôi nhà cao tầng, kiên cố, được xây dựng hiện đại, đẹp mắt, bên trong thấp thoáng bóng phụ nữ miệt mài làm việc, nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm để giao cho khách hàng, khẳng định sự hưng thịnh của làng nghề trong những năm gần đây. Và dù còn có những vất vả, khó khăn hơn so với nam giới khi đôi bàn tay trở nên thô ráp khi làm nghề mộc, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn nguyện gắn bó, giữ gìn tình yêu với nghề nhằm lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của cha ông-một nghề đã, đang và sẽ mang lại cho họ cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết mới hơn

Bài viết cũ hơn

 
an toàn cho pn trẻ em

LIÊN KẾT WEBSITE