13:08 EDT Thứ ba, 16/04/2024

DANH MỤC

LIÊN KẾT ẢNH

Cổng thông tin Ninh Bình

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THĂM DÒ DƯ LUẬN

Thăm dò ý kiến: Nhận xét về giao diện của Trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

Đẹp và thân thiện, dễ đọc

Đẹp nhưng chưa thân thiện

Chưa đẹp nhưng khá thân thiện

Xấu và không thân thiện

Trang nhất » HLHPN-NB » GƯƠNG PHỤ NỮ

Nữ điều dưỡng yêu nghề, tận tình với người bệnh

Thứ năm - 28/02/2019 03:42

Năm 2009, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Ninh Bình (nay là Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình), chị Lê Thị Thu nhận công tác ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan với nhiệm vụ là trực tiếp chăm sóc các thương, bệnh binh. Từ năm 2014, chị nhận nhiệm vụ ở Khoa Điều trị, nuôi dưỡng đối tượng di chứng chất độc hóa học/dioxin. Dù ở cương vị công tác nào, nữ điều dưỡng Lê Thị Thu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin yêu đối với đồng nghiệp và người bệnh.

Chị Lê Thị Thu chăm sóc người bệnh.

Chị Lê Thị Thu chăm sóc người bệnh.

Dẫn chúng tôi đi thăm bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền, một nạn nhân chất độc hóa học quê ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), chị Thu kể, đây là bệnh nhân đầu tiên của khoa từ khi mới thành lập (năm 2014). Hoàn cảnh của các bệnh nhân ở đây thì ai cũng éo le, nhưng câu chuyện của Huyền khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Mẹ của Huyền là cô Nguyễn Thị Hoàn, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã xung phong đi làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng đội của cô, người đã hi sinh, người bị thương nặng và cũng có người may mắn được trở về lành lặn như cô.

Trở về quê hương khi mới ngoài tuổi 20, cô Hoàn khát khao có một gia đình nhỏ để yêu thương nên quyết định trở thành người mẹ đơn thân. Thế nhưng, khi con cô tròn một tuổi, rồi hai tuổi… mà vẫn chưa biết đi, biết nói, nhận thức còn chậm chạp hơn những đứa trẻ khác. Ôm con đi khắp nơi tìm thầy thuốc để chạy chữa, song ở đâu người ta cũng bó tay vì con gái cô bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Đã hơn 30 năm trôi qua, người đàn bà ấy vẫn ôm ấp, chở che cho đứa con gái bất hạnh của mình cho đến ngày bản thân bà bị tai biến, không thể chăm sóc con gái được nữa. Đến năm 2014, khi Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan có quyết định thành lập Khoa Điều trị, nuôi dưỡng đối tượng di chứng chất độc hóa học/dioxin thì chị Huyền được gửi vào đây. Khi ấy, chị Huyền đã 35 tuổi, chưa biết đi và không thể nói chuyện.

Chị Thu nhớ lại, qua thăm khám, kiểm tra sức khỏe ban đầu cho bệnh nhân Huyền, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm, khi ấy là Trưởng khoa Điều trị, nuôi dưỡng đối tượng di chứng chất độc hóa học nhận định, chị Huyền hoàn toàn có khả năng đi lại được nếu được tập luyện đúng phương pháp. Từ đó, hàng ngày, các bác sỹ, điều dưỡng đều có “giáo án” riêng, kiên trì để tập luyện cho chị Huyền và bản thân chị Thu khi ấy là điều dưỡng, người trực tiếp chăm sóc, tập luyện cho bệnh nhân Huyền. 

“Ngày mới được điều sang khoa, tôi mang thai đứa con đầu lòng. Vì vậy, khi tiếp xúc và trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân bị di chứng chất độc da cam, tôi thực sự lo lắng, ái ngại. Nhưng rồi bằng tình thương, trách nhiệm của người thầy thuốc và lòng biết ơn của thế hệ được hưởng hòa bình tôi đã vượt qua được cảm xúc ban đầu ấy để gắn bó với từng bệnh nhân”- chị Thu chia sẻ. Vậy là không quản nắng mưa, sau 8 tháng kiên trì tập luyện dưới sự dìu dắt trực tiếp của điều dưỡng Thu, chị Huyền đã chập chững đi những bước đầu tiên. Đến nay, chị Huyền có thể leo cầu thang mà không cần có sự hỗ trợ thêm. 

Đặc biệt, từ chỗ không biết nói, đến nay chị Huyền có thể bập bẹ gọi tên bác sĩ, điều dưỡng- những người mà chị yêu mến. Sự tiến bộ của bệnh nhân trở thành nguồn động lực lớn để chị Thu phấn đấu trong công việc. Đến nay chị đã tốt nghiệp, trở thành cử nhân điều dưỡng và được bổ nhiệm là Phó Trưởng Khoa Điều trị, nuôi dưỡng đối tượng di chứng chất độc hóa học/dioxin vào tháng 12/2017.

Chia sẻ về bản thân mình, điều dưỡng Lê Thị Thu cho biết, chồng chị là một cảnh sát biển, thường xuyên công tác xa nhà. Tuy vậy, sự yêu thương, tạo điều kiện của gia đình bên nội, bên ngoại chính là động lực để chị có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, năm 2017 và 2018, chị được tặng giấy khen của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về những đóng góp tích cực cho ngành… Nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Thu cho biết, chính sự tin tưởng của đồng nghiệp, tình thương với bệnh nhân mới thực sự có ý nghĩa giúp chị vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tác giả bài viết: Đào Hằng

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết mới hơn

Bài viết cũ hơn

 
an toàn cho pn trẻ em

LIÊN KẾT WEBSITE