20:58 EDT Thứ năm, 18/04/2024

DANH MỤC

LIÊN KẾT ẢNH

Cổng thông tin Ninh Bình

THỜI TIẾT NINH BÌNH

HÔM NAY NGÀY MAI
oC - oC oC - oC
Độ ẩm:  Độ ẩm: 
Nguồn: TTKTTVTW

THĂM DÒ DƯ LUẬN

Thăm dò ý kiến: Nhận xét về giao diện của Trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

Đẹp và thân thiện, dễ đọc

Đẹp nhưng chưa thân thiện

Chưa đẹp nhưng khá thân thiện

Xấu và không thân thiện

Trang nhất » HLHPN-NB » TIN TỨC SỰ KIỆN

Phụ nữ Cúc Phương thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Thứ năm - 01/12/2016 04:33

Là xã miền núi, những năm trước đây, đời sống của hội viên, phụ nữ xã Cúc Phương (Nho Quan) còn gặp nhiều khó khăn, số hội viên thiếu kiến thức sản xuất, thiếu vốn còn nhiều, tỷ lệ hội viên thuộc diện đói nghèo còn cao. Với trách nhiệm của mình, các cấp hội phụ nữ trong xã đã vận động, kêu gọi hội viên hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, tích cực học tập, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

Hội viên PN dân tộc Mường đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021

Hội viên PN dân tộc Mường đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021

Gia đình chị Quách Thị Hạnh, hội viên phụ nữ thôn Sấm 3, dân tộc Mường, vốn là hộ nghèo, thường xuyên gặp khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Anh chị lấy nhau khi cả 2 không có vốn liếng, lại không có trình độ sản xuất, cuộc sống quanh năm bám rẫy, bám đồi với việc trồng vài sào ngô, khoai, sắn, thiếu thốn lương thực nhiều tháng trong năm. 

Năm 2005, được sự quan tâm của chính quyền xã, Hội Phụ nữ xã đã tích cực chuyển giao KHKT về chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hội viên phụ nữ, đồng thời giúp hội viên vay vốn để mua con giống phát triển sản xuất. Gia đình chị Hạnh đã bàn bạc và nhận thấy đầu tư nuôi trâu, bò là hợp lý nhất. Với số trâu, bò ban đầu chỉ là vài con, sau vài năm, anh chị gây dựng đàn trâu, bò vài chục con, với 15 con trâu và 13 con bò, bê. 

Cùng với đó, chị Hạnh thầu đất nhận khoanh nuôi và trồng hơn 1 ha keo, trên 1 ha mía, vài năm gần đây còn trồng thêm 4-5 sào cỏ để phục vụ việc nuôi đàn trâu bò và nuôi thêm hàng trăm con gà đẻ, gà thịt, ngan, ngỗng. Đến nay, sau gần chục năm đầu tư vào chăn nuôi, trồng mía, keo, mỗi năm trừ chi phí, anh chị thu lãi 150-200 triệu đồng, xây dựng được nhà cửa khang trang, tiếp tục mở rộng đàn vật nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cúc Phương cho biết: Hội phụ nữ xã hiện có trên 500 hội viên, chiếm trên 70% số phụ nữ trong xã. Là lực lượng chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp (chiếm 80% lao động nông nghiệp), những năm qua, chị em đã tích cực tham gia các buổi chuyển giao KHKT, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, mạnh dạn sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp, đưa con nuôi đặc sản như dê, hươu, ong, nhím, lợn rừng, lợn lòi, gà đồi… vào chăn nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi. 

Cùng với đó, trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, chị em đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ. Phụ nữ luôn có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn minh lịch sự, mến khách, thường xuyên giới thiệu về cảnh đẹp quê hương, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường với du khách, góp phần thu hút ngày càng đông lượng khách đến các khu du lịch như Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Cúc Phương.., góp phần đạt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế hàng năm và nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã.

Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến cho doanh thu hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như gia đình chị Trương Thị Loạn, Đinh Thị Hải, hội viên phụ nữ thôn Nga 2 với mô hình nuôi lợn rừng, lợn lai lòi, trồng rừng; gia đình chị Bùi Thị Anh, chi hội thôn Đồng Bót với mô hình kết hợp VAC, gồm nuôi lợn nái, trâu bò, gà đồi, ngan vịt, thả cá, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng rau đậu, tỏi, cà rốt; gia đình chị Đinh Thị Tâm, chi hội thôn Sấm 2 với mô hình nuôi ong, lợn, trồng rừng, trồng mía và dịch vụ xay xát, cung cấp lúa, gạo, thức ăn chăn nuôi cho người dân… cho thu nhập bình quân từ 100-300 triệu đồng/năm. 

Mặt khác, phát huy thế mạnh của xã miền núi, chị em cùng gia đình tích cực nhận khoán, trồng rừng và bảo vệ rừng. Phong trào cải tạo vườn tạp được thực hiện tốt, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế vườn đồi cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị ngành lâm nghiệp.

Để công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ngày càng hiệu quả, Hội Phụ nữ xã đã nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vào việc tạo vốn, hướng dẫn kiến thức sản xuất, tạo việc làm và quan tâm giúp phụ nữ là chủ hộ nghèo theo hướng kết hợp hài hòa 3 lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội. 

Hội đã chủ động khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, nguồn vốn năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, tổng số vốn Hội phụ nữ xã đang quản lý là trên 3,1 tỷ đồng, cho 155 hộ hội viên vay. 

Đặc biệt, thực hiện khâu đột phá nhằm “tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” theo chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, 100% chi hội đã phát động, vận động hội viên, phụ nữ tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm. Kết quả, có 356 hội viên, bằng 75% hội viên tham gia với số tiền 85 triệu đồng, cho trên 30 phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế.

Hàng năm, 10/10 chi hội nông nghiệp tổ chức và phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT. Hội Phụ nữ xã phối hợp với Hội Nông dân, HTX nông nghiệp và Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức từ 15-20 buổi chuyển giao KHKT cho trên 1 nghìn lượt hội viên, phụ nữ về kỹ thuật trồng cây vụ đông, kỹ thuật chăn nuôi các con nuôi như hươu, dê, lợn, gà đồi Cúc Phương… 

Đồng thời chủ động khảo sát, nắm chắc số lượng, nguyên nhân nghèo, phân công cán bộ, hội viên giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo do phụ nữ đứng chủ. Trong 5 năm (2011-2016), Hội Phụ nữ xã đã giúp đỡ 12 hộ phụ nữ đứng chủ vươn lên thoát nghèo…Từ các hoạt động trên đã tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 9% (theo tiêu chí cũ), tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 17%.

 

Tác giả bài viết: Hạnh Chi

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bài viết mới hơn

Bài viết cũ hơn

 
an toàn cho pn trẻ em

LIÊN KẾT WEBSITE